Tai nạn lao động diễn biến phức tạp

Thứ Bảy, 20/05/2017, 07:55
Theo con số thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2016 cả nước xảy ra 7.900 vụ tai nạn lao động khiến 862 người chết. Theo đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH thì tình hình tai nạn lao động có diễn biến phức tạp và xu hướng gia tăng.


So với năm 2015, số vụ tai nạn lao động tăng gần 5% và số người chết do tai nạn lao động tăng gần 7%. Trong đó, 60% xuất phát từ yếu tố chủ quan của con người, những con số đó vẫn chưa lột tả hết được bức tranh về an toàn, vệ sinh lao động hiện nay.

Báo cáo còn “vênh” so với thực tế

Theo đại diện Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) thì trong năm 2016, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra 7.900 vụ tai nạn lao động. Số vụ tai nạn lao động chết người là 799 vụ, làm chết 862 người, thiệt hại về vật chất lên tới 178 tỉ đồng. Đồng thời, tai nạn lao động cũng làm thời gian nghỉ do tai nạn lao động là 98.176 ngày. Trong đó, số tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động là 7.588 vụ, làm 7.806 người bị nạn, trong đó có 711 người chết. 

Trong khu vực không có quan hệ lao động, theo báo cáo của 44/63 tỉnh và thành phố, số vụ tai nạn lao động là 393 vụ, làm 445 người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động bị nạn (151 người chết). Các vụ tai nạn lao động chết người có nguyên nhân từ người sử dụng lao động chiếm 42,1%, từ người lao động chiếm 17,3%, còn lại khoảng 40% do những các nguyên nhân khác. 

“Báo cáo của các doanh nghiệp chưa phản ánh hết được bức tranh về thực trạng an toàn vệ sinh lao động hiện nay, bởi mới chỉ có 9,5% doanh nghiệp báo cáo về tình hình đảm bảo an toàn vệ sinh lao động ở đơn vị mình”, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động thừa nhận.

An toàn lao động là vấn đề cần được đề cao trong môi trường công nghiệp mới.

Đề cập đến vấn đề này, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, con số thống kê còn vênh rất nhiều so với thực tế. Vì nhiều trường hợp, người chủ sử dụng lao động thoả thuận bồi thường với phía gia đình người bị nạn để không khiếu kiện hoặc thông báo với cơ quan chức năng. Chỉ khi vào trong bệnh viện, người bị thương do tai nạn lao động mới khai báo với bác sĩ nguyên nhân chính xác để làm bệnh án. Do đó, con số báo cáo về tai nạn lao động giữa ngành LĐ-TB&XH và Bộ Y tế chênh lệch rất lớn.

Báo cáo từ các doanh nghiệp, các Sở LĐ-TB&XH thì thấp, nhưng khi điều tra từ các cấp xã phường, các bệnh viện về số người chết liên quan đến tai nạn lao động lại tăng hơn 2.000 người. “Ở đây có việc người ta định ém, che giấu tai nạn. Do đó, tới đây, chúng tôi kiến nghị phải có chế tài xử lý mạnh tay với những trường hợp cố tình che giấu tai nạn lao động kiểu này”, ông Chính nói

“Cả nước là công trường, đi đâu cũng thấy công trường”

Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ- TB&XH, trong năm 2016, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã phát động một chiến dịch thanh tra về an toàn vệ sinh lao động trong lĩnh vực xây dựng. Đây là lĩnh vực có số vụ tai nạn lao động nhiều nhất trong những năm qua, chiếm khoảng 37% tổng số vụ tai nạn lao động trên cả nước. 

“Cả nước hiện nay là công trường, đi đâu cũng thấy công trường xây dựng. Năm 2016 đã thanh tra trên toàn quốc với hơn 1.000 công trình xây dựng. Việc thanh tra đã kéo số vụ tai nạn lao động liên quan đến lĩnh vực xây dựng xuống còn khoảng 22%, mặc dù vẫn đứng đầu về số vụ và số người chết”, ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết. 

Theo ông Tùng, bắt đầu từ năm 2015, thanh tra Bộ LĐ- TB&XH đã bắt đầu xử phạt, bước sang năm 2016 đã xử phạt rất nghiêm các vi phạm của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng. Từ năm 2015 trở về trước mỗi năm chỉ xử phạt khoảng 4 tỷ đồng. Năm 2016 đã xử phạt 16 tỷ đồng (gấp 4 lần). 

“Việc xử phạt này cũng chỉ mang tính răn đe. Nếu tính vi phạm doanh nghiệp nào cũng ít nhất phải 7 lỗi, có những doanh nghiệp mắc tới 28 lỗi. Các lỗi đó đều xử phạt cả thì không biết doanh nghiệp có tồn tại được hay không? Đó cũng là sức ép với cơ quan quản lý, bởi nếu doanh nghiệp không tồn tại thì người lao động mất việc. Xử phạt chỉ mang tính răn đe là chủ yếu chứ không phải xử phạt để lấy số liệu báo cáo”, ông Nguyến Tiến Tùng nói.

Tai nạn lao động diễn biến phức tạp nhưng làm thế nào để kiểm soát rủi ro là một câu hỏi được đặt ra cho ngành LĐ- TB&XH. Như chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Tùng thì việc tăng cường công tác thanh tra cũng đã phần nào kéo được tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng xuống, nhưng lực lượng thanh tra an toàn lao động còn ít. 

“Khi tham mưu xây dựng dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị bổ sung ở mỗi huyện có thêm 1 thanh tra an toàn vệ sinh lao động, nhưng chưa được. Trong khi đó, phạm vi thanh tra đã được mở rộng sang lĩnh vực phi chính thức với khoảng 35 triệu lao động. Khối lượng công việc sẽ tăng nhiều”, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động chia sẻ.

Phan Hoạt
.
.
.