TP Hồ Chí Minh tăng cường công tác phòng dịch tả heo châu Phi

Thứ Năm, 21/03/2019, 15:38
Trước tình hình xảy ra dịch tả heo châu Phi ở một số tỉnh phía Bắc, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch phòng chống khẩn cấp.


Theo Chi cục chăn nuôi và thú y TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 3.917 hộ nuôi heo với tổng đàn hơn 274.000 con, trong đó có đàn heo giống 40 ngàn con, thành phố định hướng chăn nuôi phát triển theo hướng cung cấp con giống. Thành phố có 11 cơ sở giết mổ heo, hiện nay trung bình mỗi ngày giết mổ khoảng gần 7.000-7.200 con, phân phối thịt heo cho toàn thành phố. Trước tình hình xảy ra dịch tả heo châu Phi ở một số tỉnh phía Bắc, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch phòng chống khẩn cấp.

Có mặt tại Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức thuộc Chi cục chăn nuôi và thú ý TP Hồ Chí Minh vào lúc 18h ngày 19-3, PV Báo CAND ghi nhận cán bộ nhân viên ở đây đang tiến hành kiểm dịch 3 xe ô tô chở heo.

 Ông Lê Công Hiệu, Phó trưởng Trạm Thủ Đức cho biết, những xe chở heo này từ một số tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu,… vận chuyển về các cơ sở giết mổ heo ở TP Hồ Chí Minh. Sau khi 3 xe ô tô được kiểm dịch và ra khỏi trạm, các xe ô tô khác lại vào để kiểm dịch. Theo cán bộ ở đây, mỗi ngày trung bình trạm kiểm dịch khoảng 200 xe vận chuyển động vật và thực phẩm động vật (chủ yếu heo, gà), nhiều nhất là vào buổi tối kiểm dịch cho trên 100 xe.

Cán bộ Chi cục chăn nuôi và thú y TP Hồ Chí Minh kiểm dịch heo tại Trạm Thủ Đức

Đến đây chứng kiến chúng tôi mới thấy công tác kiểm dịch được cán bộ ở trạm này kiểm tra rất kỹ. Khi các xe ô tô vận chuyển động vật vào trạm, cán bộ thú y tiến hành kiểm tra niêm phong thùng xe, đối chiếu mã số trên dây niêm phong với giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y nơi có động vật được thu mua, sau đó thông tin trong giấy chứng nhận này được một nhân viên của trạm nhanh chóng cập nhật vào hệ thống trên máy tính. Trên bàn ở gần đó có một quyển sổ để tài xế ghi thông tin về bản thân, loại động vật đang được vận chuyển, điểm xuất phát và điểm đến cuối cùng. Thông tin này sẽ được cán bộ ở đây đối chiếu với giấy kiểm dịch xem có trùng khớp hay không. Sau khi kiểm dịch sẽ tiến hành phun thuốc khử trùng toàn bộ xe chở động vật hoặc thực phẩm động vật.

Công tác kiểm dịch thực hiện rất chặt chẽ

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, quy trình kiểm dịch động vật rất nghiêm ngặt và qua nhiều khâu chặt chẽ.

 Tại trại nuôi heo, trước khi heo được đưa lên xe ô tô, cán bộ thú y địa phương đã tiến hành kiểm dịch; sau khi đưa heo lên thùng xe sẽ được niêm phong, sát trùng, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vận chuyển. 

Khi đến Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, cán bộ tại đây kiểm tra niêm phong có mã số xem có trùng với giấy chứng nhận của cán bộ thú y đã cấp, đồng thời yêu cầu mở bên hông thùng xe ô tô để kiểm tra kỹ số heo trong thùng xe xem có bị bệnh hay không. Các thông tin về xe vận chuyển, số lượng heo, họ tên tài xế,… được trạm ghi lưu đầy đủ và cấp giấy chứng nhận đã kiểm dịch, sau đó tài xế vận chuyển đến cơ sở giết mổ. Cán bộ của Chi cục chăn nuôi và thú y tại đây tiếp tục kiểm tra niêm phong và giấy chứng nhận đã kiểm dịch. Ở công đoạn này là mở niêm phong thùng xe để đưa heo vào lò mổ, nên được kiểm tra kỹ từng con.

Kiểm tra niêm phong xe chở heo

Khi các cơ sở giết mổ xong, heo được cán bộ chi thú y kiểm tra và cấp giấy chứng nhận, sau đó thịt heo được đưa lên xe chuyên dùng vận chuyển đến chợ đầu mối. Cán bộ thuộc Ban An toàn thực phẩm thành phố tại các chợ đầu mối sẽ tiến hành kiểm tra niêm phong và giấy chứng nhận của cơ quan thú y đã cấp tại cơ sở giết mổ. Thịt heo được đưa vào khu vực phòng lạnh của các chợ đầu mối, tại đây cán bộ Ban An toàn thực phẩm kiểm tra và đóng dấu chứng nhận, sau đó heo mới chính thức được giao cho các tiểu thương trong chợ. Thịt heo sẽ được cung cấp cho các sạp bán lẻ ngay trong chợ đầu mối và các chợ trên địa bàn thành phố.

Khử trùng toàn bộ xe chở heo

Ngay cả việc những người vận chuyển heo đến các chợ bán lẻ, khi đi ra cổng chợ đầu mối sẽ được kiểm tra giấy ra cổng mới vận chuyển heo đi, heo được đựng trong thùng inox chuyên dụng đảm bảo vệ sinh.

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, quy trình kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ  rất chặt chẽ nên thịt heo đã qua kiểm dịch đưa vào tiêu thụ là rất an toàn nên người dân yên tâm mua về sử dụng.

Ngoài kiểm dịch tại trạm, Chi cục chăn nuôi và thú y thành phố còn có 3 Đoàn kiểm tra liên ngành gồm có các lực lượng Cảnh sát giao thông, Ban An toàn thực phẩm và Thanh niên xung phong thành phố thường xuyên tuần tra trên các tuyến đường để kịp thời phát hiện phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trốn tránh kiểm dịch.

 Như vụ việc vào lúc 18h tối 18-3, qua tuần tra, lực lượng liên ngành phát hiện một xe ô tô chở khách chạy trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn quận Thủ Đức, trong hầm xe có 245kg phụ phẩm bò không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật và vận chuyển bằng xe chở khách. Tài xế cho biết ,vận chuyển số phụ phẩm trên từ Đồng Nai về Bạc Liêu để bán. Cơ quan chức năng lập biên bản tiêu huỷ toàn bộ lô hàng trên và xử phạt vi phạm hành chính đối với tài xế số tiền hơn 12 triệu đồng.

Cán bộ tại trạm kiểm dịch động vật tại Thủ Đức nhập số liệu vào hệ thống quản lý

Thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, Công an thành phố đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, hỗ trợ việc kiểm dịch động vật vận chuyển trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi.

Để tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh tả heo châu Phi, Ông Huỳnh Tấn Phát cho biết, chính quyền và các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đang chủ động tăng cường giám sát, kiểm tra heo cung cấp vào thị trường thành phố. Hiện tại, các hộ kinh doanh giết mổ cam kết không nhập heo từ các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, Chi cục đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, giám sát tình hình lưu hành bệnh tả heo châu Phi tại các cơ sở, hộ chăn nuôi heo trên địa bàn, giám sát chặt chẽ quy trình giết mổ heo và kiểm dịch số heo đưa vào vào thành phố. Song song đó, Chi cục cử cán bộ phối hợp với ngành chức năng và địa phương kiểm tra thịt heo tại các chợ truyền thống trên địa bàn.

Cấp giấp chứng nhận đã kiểm dịch

Các ban, ngành, đoàn thể cũng đang tăng cường phối hợp tuyên truyền người dân tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh tả heo châu Phi theo hướng dẫn của cơ quan thú y; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại 2 lần/tuần; không vận chuyển mua bán, giết mổ, tiêu thụ heo và sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc không qua kiểm dịch của cơ quan thú y. 

Để hạn chế dịch bệnh xâm nhập các cơ sở nuôi heo không cho khách tham quan, hạn chế cho thương lái vào khu vực chăn nuôi. Trong trường hợp phải đi vào chuồng nuôi cần phải thay trang phục và mang ủng hoặc giày dép của trại, đồng thời thực hiện tiêu độc khử trùng cho người, dụng cụ và phương tiện.

Về vấn đề kiểm soát nhiễm ấu trùng sán dây trên thịt heo vừa qua bạn độc quan tâm, trao đổi vấn đề này ông Huỳnh Tấn Phát cho biết, tại các cơ sở giết mổ khi tiến hành kiểm soát giết mổ, ngoài việc cán bộ thú y cắt khám thân thịt, các hạch bạch huyết để phát hiện loại thải các trường hợp heo bệnh truyền nhiễm để tầm soát các trường hợp nhiễm sán dây trên heo, cán bộ thú y sẽ cắt khám tại các vị trí cơ hàm, cơ hoành, lưỡi khi phát hiện các trường hợp nhiễm giun sán quày thịt sẽ bị xử lý; do thị trường thành phố tiếp nhận 100% nguồn heo nuôi công nghiệp, nên liên tục nhiều năm chưa ghi nhận trường hợp quày thịt heo có nhiễm ấu trùng sán dây.

Do được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ nên rất an toàn và lượng thịt heo được người dân trên địa bàn thành phố tiêu thụ nhiều. Cơ quan thú y khuyến cáo người dân nên sử dụng các sản phẩm thịt gia súc đã được cơ quan thú y kiểm dịch, không mua và sử dụng các sản phẩm thịt gia súc không rõ nguồn gốc.
Nhân Sơn
.
.
.