Sẽ thu hẹp quy mô, tăng cường an ninh cho lễ hội chọi trâu
- Đề xuất nhiều nội dung liên quan đến Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn
- Duy trì Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nhưng phải đảm bảo an toàn
Buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo và nhân dân địa phương.
Buổi tọa đàm được lắng nghe 16 ý kiến, điểm chung là tất cả các ý kiến đều cho rằng, nên tiếp tục tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Chọi trâu Đồ Sơn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu rất rõ và công nhận giá trị. Vì vậy, vấn đề được bàn thảo ở đây là nên tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn như thế nào để vừa phát huy được giá trị của lễ hội, vừa đảm bảo được an ninh, an toàn.
GS.TS Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng, chọi trâu không phải là lễ hội phản cảm, man rợ, kích động bạo lực… Ở nhiều nước trên thế giới, người ta tạo ra các cuộc đấu, cho khán giả xem để giải tỏa.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, sau 18 năm khôi phục lại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, chưa có năm nào lễ hội ở đây xảy ra sự việc đáng tiếc như sự kiện vừa qua. Ông Nam cho biết, bản chất của trâu luôn tránh việc đâm phải người. Vì vậy, theo ông Nam, đây là việc hi hữu và thành phố Hải Phòng sẽ quyết tâm khắc phục các khuyết điểm còn tồn đọng, đề ra các giải pháp khắc phục tối ưu nhất.
Riêng vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn, thành phố Hải Phòng cũng sẽ nghiên cứu các giải pháp, trong đó cũng đề cập đến phương án trong trường hợp không kiểm soát được trâu, các lực lượng chức năng sẽ dùng súng để tiêu diệt hoặc bắn thuốc gây mê hay các giải pháp khống chế hữu hiệu khác.
Tán thành việc tiếp tục tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, tuy nhiên, các nhà khoa học cũng yêu cầu địa phương nâng cao công tác tổ chức, quản lý lễ hội. GS Nguyễn Chí Bền, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tiếp tục duy trì lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, nhưng tôi không đồng ý với cách tổ chức như cũ. Dứt khoát phải đổi mới mô hình tổ chức lễ hội này”.
Một vấn đề nhức nhối trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đó chính là việc xẻ thịt trâu chọi để bán với giá “cắt cổ”. Giá của thịt trâu được bán ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có khi được đẩy lên tới 5-6 triệu đồng/kg. Nhưng điều đáng nói ở đây là người ta mang trâu bình thường ra mổ để bán và nói rằng đó là trâu chọi để lừa khán giả và người mua.
“Có khi trong sân con trâu số 9 đang thi đấu thì ở bên ngoài người ta đã bày bán thịt và nói rằng thịt đó là của con trâu số 9 rồi” - Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng khẳng định.
Kết luận buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy đưa ra một số đề nghị cụ thể đối với Ban tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn như: Thu hẹp quy mô tổ chức lễ hội; nâng cao các biện pháp đảm bảo an ninh; xây dựng đề án đổi mới lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cho phù hợp, hiệu quả... Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, giá trị của lễ hội không phụ thuộc vào quy mô mà cần phải tổ chức cho đúng với tính chất của một lễ hội văn hóa, thay vì tổ chức các vòng đấu loại thì chỉ đấu một vòng duy nhất đúng như hồ sơ di sản đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng phải có phương án tình thế đảm bảo an toàn, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, gian lận thương mại như chặt chém, nâng khống giá của trâu, các hiện tượng cờ bạc trá hình, giao dịch, thỏa thuận “ngầm” để trục lợi trong lễ hội…