Sạt lở nghiêm trọng bờ biển, cửa sông ở Tam Hải
- Khai thác cát, sỏi, gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông Thạch Hãn
- Sạt lở nghiêm trọng chia cắt Đà Lạt – Nha Trang
- Sông Đồng Nai bị sạt lở nghiêm trọng do khai thác cát
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, cho biết tình trạng sạt lở nghiêm trọng diễn ra ở địa bàn tổ 3 thôn Bình Trung, thôn Tân Lập và Thuận An. Trong trận mưa lũ đầu tháng 11-2016, khu vực cửa sông Trường Giang, thôn Bình Trung, bị sạt lở ăn sâu vào đất liền 20m, kéo dài hàng cây số. Còn tại bờ biển thôn Tân Lập, hơn 200m bờ kè bị sạt lở, ăn sâu vào 15-20m.
“Bờ kè này có chiều dài 1,8km do Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai làm chủ đầu tư xây dựng năm 2012. Việc xây dựng bờ kè nhằm hạn chế tình trạng sạt lở bờ biển ở thôn Tân Lập. Tuy nhiên, do thời tiết ngày càng cực đoan nên nạn sạt lở cũng đã phá hủy nhiều đoạn kè này”, ông Hùng lo lắng nói.
Bờ kè ở thôn Tân Lập, xã Tam Hải bị sóng biển đánh vỡ. |
Theo quan sát của chúng tôi, tại xóm 3, thôn Bình Trung, bên cửa sông Trường Giang, nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang do chủ nhân đã di dời tránh sạt lở. Còn tại bờ kè thôn Tân Lập, nhiều đoạn kè bị sóng biển đánh tan tành. Trước đây, trung tâm hành chính của xã Tam Hải đặt tại xóm 3, thôn Bình Trung, do đó khu vực này rất đông dân cư và sầm uất.
Tuy nhiên, do cửa sông Trường Giang bị sạt lở nghiêm trọng nên từ năm 1997, trung tâm hành chính xã Tam Hải đã được di dời về khu vực giữa thôn Tân Lập như hiện nay. Còn người dân quanh khu vực thôn Bình Trung bị sạt lở đã di dời chỗ ở đi các thôn khác, có hộ còn đưa cả gia đình vào tận Bình Phước, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh; thậm chí là lên Đắk Lắk để xây dựng cuộc sống mới.
Đến thời điểm này, có 20 hộ dân của xóm 3, thôn Bình Trung, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nạn sạt lở cửa sông Trường Giang, cần được di dời khẩn cấp.
Theo lãnh đạo xã Tam Hải, toàn xã hiện có 150 hộ dân đứng trước nguy cơ sạt lở cửa sông, bờ biển tập trung ở các thôn Bình Trung, Tân Lập và Thuận An. Đứng trước tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, chính quyền và người dân xã Tam Hải đã trồng được 17ha rừng ngập mặn chống sạt lở, bên cạnh rừng nguyên sinh ngập mặn xã này đang có là 50ha.
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp về lâu dài, còn nhu cầu thực tế, địa phương đang cần đầu tư xây dựng bờ kè dài 4,5km dọc cửa sông Trường Giang và bờ biển nối qua các thôn Bình Trung, Thuận An, Long Thạnh Tây.
“Có làm được bờ kè như vậy kết hợp với việc trồng rừng ngập mặn thì Tam Hải mới mong hạn chế được tình trạng sạt lở. Chúng tôi cũng đã trình bày phương án này với cấp trên rồi và đang chờ ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng”, ông Hùng cho biết.