Phòng chống tác hại thuốc lá - vừa mừng vừa lo

Thứ Sáu, 24/11/2017, 09:31
Theo kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành công bố năm 2016, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại Việt Nam đã giảm đáng kể. Sau 4 năm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực và sự ra đời của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá được thành lập, các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh, “cuộc chiến” phòng chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận.


Những con số đáng mừng

Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 (GATS 2015) cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể ở hầu hết các địa điểm công cộng như: Bệnh viện, trường học, nhà hàng, trên các phương tiện giao thông công cộng… Điều đó có nghĩa là người sử dụng thuốc lá đã giảm và họ có ý thức giữ gìn môi trường trong sạch cho cộng đồng. 

Cùng với việc thiết lập, kiện toàn mạng lưới Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá từ Trung ương tới địa phương, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, trong mấy năm qua, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cũng đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố và 30 bộ, ngành thực hiện công tác phòng chống tác hại thuốc lá.

Thanh niên tham gia tuyên truyền vận động cộng đồng không sử dụng thuốc lá.

Điều tra toàn cầu năm 2014 về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm từ 66,5% xuống 47,7%. 

Ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên, kết quả điều tra do Tổng cục Thống kê phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ công bố năm 2016 cũng cho thấy, so với năm 2010 tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới Việt Nam có xu hướng giảm (từ 47,4% xuống 45,3%). Trong đó, tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị giảm 6,5%. 

Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm 13,3%, hút thuốc thụ động tại trường đại học, cao đẳng giảm 16,4%, tại nhà hàng giảm 4,2%, trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%, hút thuốc tại cơ sở chăm sóc y tế giảm 5,2%. 

Kết quả này là sự kết hợp của nhiều biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá hiệu quả, là nỗ lực của công tác phối hợp liên ngành và sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông và các tổ chức phòng, chống tác hại thuốc lá của trong nước và quốc tế.

Từ những con số đáng mừng như trên cho thấy, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc và nhận thức về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng đang có những chuyển biến tích cực.

Cần sự thay đổi tích cực trong nhận thức

Mặc dù đã có những tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điều dễ nhận thấy nhất là thuốc lá đang được bày bán tràn lan ở mọi nơi và bất kỳ người lớn hay trẻ em đều dễ dàng mua được. Trong khi đó, giá thuốc lá tại Việt Nam còn quá rẻ so với các nước trong khu vực. 

Theo điều tra của GATS 2015, giá trung bình của một bao thuốc lá (20 điếu) ở Việt Nam là 11.819 đồng/bao. Mức giá này rất rẻ so với các nước trong khu vực như của Singapore (192,000 đồng/bao); của Philippines (32,000 đồng/bao), Malaysia (74,000 đồng/bao)… Hơn nữa, sau khi đã điều chỉnh lạm phát, mức giá thuốc lá của chúng ta có xu hướng giảm gần 1.000 đồng/bao/năm so với năm 2010.

Bên cạnh những vấn đề trên, thị trường Việt Nam còn xuất hiện một số sản phẩm mới như shisha, Vape, thuốc lá điện tử… Những sản phẩm này được quảng cáo mạnh mẽ trên nhiều trang mạng, hướng giới trẻ sử dụng để thể hiện sự sành điệu. Các sản phẩm cùng lời quảng cáo hấp dẫn đã kích thích trí tò mò, tìm hiểu cái mới của giới thanh thiếu niên, gây nên hiểu lầm về sự an toàn cho sức khỏe khi sử dụng những sản phẩm này.

Ngoài ra, thuế thuốc lá thấp cũng là một vấn đề. Thuế thuốc lá tại Việt Nam thấp gần nhất so với các nước trong khu vực (chỉ cao hơn Campuchia). Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam là 65%, nếu tính trên giá bán lẻ, mức thuế này chỉ chiếm 41,6%. Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ của thuốc lá ở các nước trong khu vực cao hơn hẳn: Brunei 81%, Singapore 71%, Thái Lan 70%, Malaysia 57%, Philippines 53%, Myanmar 50%, Lào 43%, Việt Nam 41,6%. Ở các nước khác ngoài khu vực, mức thuế thuốc lá cũng cao hẳn so với Việt Nam như: Pháp 80%, Đức 73%, Australia 60%.

Thêm một khó khăn nữa là việc bày bán thuốc lá vi phạm quy định trưng bày thuốc lá cũng diễn ra phổ biến ở nước ta. Điều này sẽ kích thích người sử dụng, tạo thuận lợi cho người sử dụng thuốc lá dễ dàng mua được. Những khó khăn này tiếp tục đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trong thời gian tới. 

Bên cạnh nỗ lực hoạt động của Quỹ Phòng chống thuốc lá, của Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá ở Trung ương, địa phương và các bộ, ngành thì vấn đề quan trọng chính là ý thức của người sử dụng thuốc lá. Người nghiện thuốc lá cần phải thay đổi nhận thức, có ý thức cai nghiện thuốc lá để tránh bệnh tật và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Minh Phương
.
.
.