Nước biển ở Huế có màu 'đỏ như máu'

Thứ Ba, 28/02/2017, 21:24
Kết quả quan trắc của cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên- Huế cho thấy, những dải nước đỏ trên vùng biển gần bờ ở tỉnh này là do... tảo nở hoa.

Chiều 28-2, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, Sở vừa có báo cáo kết quả quan trắc chất lượng nước biển tại khu vực biển Chân Mây-Lăng Cô (huyện Phú Lộc) gửi đến Bộ TN&MT và UBND tỉnh.

Trước đó, ngày 23-2, ngay sau khi nhận được tin báo về hiện tượng xuất hiện các vệt nước màu đỏ tại khu vực biển Chân Mây-Lăng Cô, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tiến hành khảo sát, quan trắc và lấy mẫu tại khu vực biển Cảnh Dương (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc); vùng biển bắc đèo Hải Vân (cửa biển Lăng Cô, thị trấn lăng Cô, huyện Phú Lộc).

Nước biển có màu đỏ hồng ở khu vực bờ kè cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Kết quả quan trắc cho thấy chất lượng nước biển tại các vùng biển trên có thông số pH, ôxy hòa tan (DO), tổng chất rắn lơ lửng (TSS), amoni, photphat, xyanua, sắt, thủy ngân, tổng Phenol, crom tổng số, cadimi, chì, mangan, đồng, kẽm và tổng dầu mỡ khoáng... đều đảm bảo giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (QCVN 10-MT:2015/BTNMT). 

Ngoài ra, có 3 mẫu quan trắc phát hiện loài tảo Noctiluca scintillans thuộc họ Noctilucaceae, bộ Noctilucales. 

Đây là loài tảo dị dưỡng, có dạng hình cầu (giống bong bóng khi thổi căng) hoặc hình thận tròn, kích thước lớn với đường kính từ 200-2000 µm. 

Nước biển có màu đỏ 'như máu' được kết luận là do tảo nở hoa.

Loài tảo Noctiluca scintillans là loài gặp phổ biến ở ven biển Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, thường phát triển mạnh gây đổi màu nước trong giai đoạn chuyển mùa Xuân- Hè. Màu nước biển khi tảo nở hoa có thể là màu xanh đậm, màu vàng nâu hay màu đỏ máu. 

"Ở những nơi có vệt nước đỏ được người dân phản ánh như khu vực Chân Mây- Lăng Cô có số lượng tảo đo được là 350.000 tế bào/lít; ở vùng biển Cảnh Dương có 561.000 tế bào/lít”, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết thêm.

Hiện tượng nở hoa do Noctiluca scintillans sẽ biến mất sau 3 đến 5 ngày, tùy theo môi trường và địa hình thủy vực. 

Như vậy, nguyên nhân gây ra hiện tượng dải nước đỏ trên biển ở khu vực biển Lăng Cô-Chân Mây là do sự xuất hiện với số lượng lớn của loài tảo Noctiluca scintillans.

Anh Khoa
.
.
.