Những phụ nữ chặt lá dừa thuê… chắp cánh ước mơ

Thứ Hai, 24/04/2017, 08:06
Chiếc xuồng nhỏ rẽ nước đưa chúng tôi tiến sâu vào rừng dừa xanh ngát lá, nơi có nhiều người lao động nghèo đang cật lực lao động mưu sinh với việc chặt tàu dừa thuê. Công việc của họ tuy vất vả, nhưng đã chắp cánh ước mơ cho con cái đến trường theo đuổi con chữ…


Rừng dừa Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh, TP Hội An (Quảng Nam) đã gắn bó của người dân trong vùng từ nhiều đời qua, cho đến bây giờ nó đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, có một điều ít ai ngờ tới, trong khu rừng ngày ngày vẫn có rất nhiều lao động nghèo chặt tàu dừa thuê để nuôi sống gia đình, lo cho con cái ăn học…

Một ngày công của họ cũng chỉ kiếm được từ 200-300 nghìn đồng. Ngừng tay chặt tàu dừa, bà Phạm Thị Bường, ở thôn Tam Thanh Đông, cho biết, bà về làm dâu đất Cẩm Thanh từ hồi mới 25 tuổi, rồi kiếm sống bằng nghề này cho đến nay. Bà Bường chia sẻ, cực chẳng đã mới phải vào rừng dừa làm ăn chứ chẳng vui vẻ gì khi bì bõm trong nước nhiều giờ liền.

Mỗi sáng, bà cùng những người hàng xóm lội trong rừng dừa nước suốt bốn tiếng đồng hồ để chặt tàu dừa. Khi chiếc xuồng nan ọp ẹp đã ngập tràn màu xanh của lá, họ lại bì bõm kéo về.

Thành quả lao động của những phụ nữ nghèo sau một ngày ngâm mình mưu sinh trong rừng dừa Bảy Mẫu. 

Bà Trần Thị Nga (56 tuổi) cho hay, công việc chặt tàu dừa chỉ được thực hiện từ tháng Giêng đến tháng Tám âm lịch hằng năm. Còn vào mùa mưa, do nước lên cao, lá dừa mang về không có chỗ phơi nên phải nghỉ.

“Một tháng ba chục ngày, nhưng làm hơn hai mươi ngày là đuối, chứ sức đâu mà chịu cho được. Mỗi ngày, bình quân mỗi xuồng đi từ 2-3 người, chứa được khoảng 200-300 tàu dừa, bán thu nhập từ 200-300 nghìn đồng. Nhưng đó là bao trọn cả từ việc chặt dừa kéo về đến lúc đi phơi. Xong rồi phải gom dừa khô của những ngày trước đó để đem về nữa…

Thế nhưng, cũng nhờ cái nghề này mà có đồng ra, đồng vào nuôi sống gia đình, lo cho con cái ăn học…”, bà Nga trải lòng.

Trong âm thanh của tiếng rựa chặt tàu dừa, tôi nghe loáng thoáng tiếng bà Nga: “Nghèo chết đi được…”. Năm nay đã là người cao tuổi, nhưng có lẽ vì con cái, gia đình và những cơ cực đã lâu cho nên trong lòng bà Nga cũng như những người lao động nghèo trong rừng dừa nước này, có người tuổi đã “cổ lai hy”, song họ chưa bao giờ nghĩ đến việc an hưởng tuổi già…

Hà Ngọc
.
.
.