Những phụ nữ nghèo mưu sinh trên bãi rác

Thứ Hai, 24/10/2016, 12:09
Chẳng nề hà khó nhọc, mặc thân thể lấm lem, mỗi ngày trôi qua, tại bãi rác Cẩm Hà (xã Cẩm Hà, TP Hội An, Quảng Nam) có nhiều phụ nữ luôn tay xới, nhặt phế liệu bán kiếm tiền nuôi sống gia đình, “nuôi chữ”cho con…


Bãi rác Cẩm Hà được xây dựng đã nhiều năm, hiện là địa điểm tập kết và xử lý rác cho 13 xã, phường trên địa bàn TP Hội An. Bãi rác này được quy hoạch trên diện tích 2ha từ năm 1980. Cho đến nay, với sự phát triển của du lịch nên lượng du khách đổ về Hội An mỗi ngày là khá đông, vì thế, lượng rác đổ về đây mỗi ngày cũng rất lớn.

Tại bãi rác này, chúng tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ “bám trụ” mưu sinh bằng việc bới rác để kiếm phế liệu bán lấy tiền. Chẳng ai muốn sáng chiều còng lưng nơi bãi rác; song chỉ vì miếng cơm manh áo cho gia đình, lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn nên họ mới làm cái nghề cùng cực này. Có lẽ vì thế mà ai cũng ngập ngừng khi chúng tôi hỏi tên, quê quán…

Mỗi ngày tại bãi rác Cẩm Hà có rất nhiều phụ nữ bới rác mưu sinh.

“Ở độ tuổi của chúng tôi bây giờ rất khó để tìm một việc làm ổn định, trước làm nông nay làm thêm cái ni để kiếm được đồng nào hay đồng đó, làm riết cũng thành quen thôi”. Chị H. chia sẻ và cho biết thêm, công việc bới rác nhặt phế liệu bán cho các đề-pô, trung bình mỗi ngày chị thu nhập từ 70-100 nghìn đồng, đủ để chi tiêu thêm cho gia đình vốn vẫn còn nhiều bộn bề, lo toan…

Theo lời chị K., trước đây, tại bãi rác xã Cẩm Hà mỗi ngày rất đông chị em phụ nữ đến bới rác mưu sinh. Cho đến khi nhà máy xử lý rác hoạt động, nhiều người đã chuyển vào trong đó “làm ăn”, với mức phí phải nộp là 600 nghìn đồng. Đổi lại, họ sẽ có cơ hội nhặt được nhiều vật dụng hơn, thu nhập cũng hơn nhiều so với ngoài bãi. 

Với hành trang là đôi ủng, nón, khẩu trang, bao tời và một cây cuốc chĩa, cứ thế những “bóng hồng” ấy lại lam lũ cày xới, mưu sinh trên bãi rác khổng lồ. Và, ngày qua ngày, các chị luôn đối mặt với bãi rác khổng lồ hôi thối, ô nhiễm và đầy rẫy mảnh chai, kim tiêm... rất nguy hiểm.

Chị M. tâm sự rằng, rất nhiều lần chị bị mảnh chai cắt đứt chân nhưng vẫn cắn răng chịu đựng. Điều mà chị cũng như các phụ nữ ở đây lo sợ nhất là gia đình không đủ ăn, con cái không có tiền đóng học phí học hành… 

Những suy nghĩ ấy như thôi thúc, động viên những người mẹ, người vợ không nề hà vất vả mưu sinh trên bãi rác; nuôi dưỡng trong họ ước mơ về một mái ấm gia đình đầy đủ và hạnh phúc!...

Hà Ngọc
.
.
.