Những giải pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em

Thứ Hai, 22/04/2019, 11:07
Thời gian qua, trên địa bàn TP HCM cũng như một số tỉnh thành trong cả nước xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, gây bức xúc trong dư luận và làm mất trật tự xã hội. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống loại tội phạm này, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục để trẻ em được bảo vệ tốt hơn.

Qua tiếp nhận khá nhiều phản ánh của các bậc phụ huynh về việc con gái họ bị xâm hại, trong đó nhiều nhất vẫn là bị người quen, hàng xóm xâm hại. Như trường hợp con gái (11 tuổi) của vợ chồng anh Nguyễn Q. T. ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, khi qua nhà chơi bị ông Tr (hàng xóm) xâm hại. 

Con gái chị T ở phường 14, quận Tân Bình, mới 5 tuổi ở nhà trọ một mình, ngày 14-4 bị ông C (hàng xóm) xâm hại; mới đây nhất, vợ chồng anh Phạm Q. L ở xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè phản ánh ngày 15-4, con gái (3 tuổi) của anh chị bị hàng xóm xâm hại…

Vợ chồng anh Nguyễn Q. T. làm việc với PV và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh.

Theo thượng tá Trương Minh Đức, Phó trưởng Công an huyện Hóc Môn, việc xử lý hình sự người có hành vi dâm ô trẻ em gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi chứng cứ cụ thể, thuyết phục. Có trường hợp, trẻ bị xâm hại xảy ra từ hai năm trước, nay gia đình mới báo Công an nên việc thu thập dấu vết, chứng cứ rất khó khăn.

Còn Thượng tá Nguyễn Quốc Hải, Phó Trưởng Công an quận 12 cho biết, khó khăn trong xử lý các vụ án là thường chỉ có lời khai của các bé, không có người làm chứng, không có camera, hình ảnh để chứng minh tội phạm. Tuy nhiên, cơ quan Công an đã nỗ lực để đấu tranh phòng chống loại tội phạm này và xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm pháp luật.

Cơ quan Công an khuyến cáo, cha mẹ cần quan tâm và có nhiều thời gian ở bên con cái, không nên để các cháu đi một mình. Nếu xảy ra sự việc, nạn nhân và người nhà nên nhanh chóng đến Công an trình báo, nhằm tránh các dấu vết bị xóa và Công an cũng dễ dàng thu thập chứng cứ, giám định các dấu vết thủ phạm để lại.

Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, trong năm 2018, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 77 vụ xâm hại trẻ em, riêng từ đầu năm 2019 đến nay Hội đã tiếp nhận gần 20 vụ. Có khoảng 90% vụ xâm hại trẻ em xảy ra bởi những người quen biết, nhưng nhiều gia đình sợ bị ảnh hưởng đến tương lai con mình, mắc cỡ với hàng xóm… nên không trình báo với cơ quan Công an. 

Trao đổi với PV, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho biết: “Có ngày chúng tôi tiếp nhận 3 – 4 trường hợp cha mẹ đến tố cáo việc con họ bị xâm hại. Cuộc sống gia đình và bản thân các bé bị đảo lộn, bị chấn thương tâm lý, trầm cảm... nhìn các cháu bị xâm hại, chúng tôi thấy rất đau lòng”.

Để đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này, cần sự vào cuộc của các cơ quan pháp luật và của cả xã hội; đồng thời các gia đình cần lên tiếng tố cáo, vì “Im lặng trong trường hợp này là tội ác”, bà Nữ nói.

Các chuyên gia tâm lý cho biết, khi bị xâm hại, các cháu bé không dám nói với người thân là do sợ bị la hoặc bị đánh, thậm chí các cháu có suy nghĩ bản thân là người có lỗi. Do đó, các bậc phụ huynh cần nói rõ để cho các cháu biết lỗi không phải do cháu và an ủi để các cháu yên tâm, bớt bị ảnh hưởng đến tâm lý.

Trước tình trạng xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, HĐND thành phố đang tiến hành giám sát công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố.

Nhiều người cho rằng, cần rà lắp đặt camera và có các biện pháp phòng chống xâm hại trẻ em tại những nơi tiềm ẩn nguy cơ như các điểm công cộng, lớp học,... Đồng thời, cần có cơ quan chuyên trách tham mưu cho chính quyền bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em mới có thể nâng cao chất lượng công tác này.

Cơ quan chức năng ở địa phương cần cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho trẻ em cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em về trách nhiệm bảo vệ trẻ em; kỹ năng phòng ngừa, phát hiện các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến cộng đồng về trách nhiệm trước pháp luật sẽ phải chịu nếu có hành vi xâm hại trẻ em, để góp phần ngăn ngừa, răn đe những đối tượng xấu. Nội dung tuyên truyền phải phù hợp, gần gũi, thiết thực với cuộc sống hàng ngày để cha mẹ biết bảo vệ trẻ. 

Nhân Sơn
.
.
.