Nhức nhối tình trạng lao động bỏ trốn tại Đài Loan
- Sẽ cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt lao động bỏ trốn ở nước ngoài
- Nỗ lực tìm giải pháp giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sẽ tập trung chấn chỉnh quy trình và hoạt động của các doanh nghiệp dịch của Việt Nam, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Đài Loan ổn định và phát triển bền vững thị trường trọng điểm này.
Cơ hội cho lao động Việt Nam muốn sang Đài Loan làm việc đang rộng mở, đặc biệt từ cuối năm 2015, phía bạn đã tiếp nhận trở lại 2 loại hình lao động sau 10 năm gián đoạn là giúp việc gia đình và thuyền viên tàu cá.
Công nhân Việt Nam làm việc tại Đài Loan. |
Tuy nhiên, sau 17 năm xuất khẩu lao động sang Đài Loan, chưa bao giờ tình trạng lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, trốn ra ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp tại thị trường này lại ở mức đáng lo ngại như hiện nay. Năm 2015, trung bình mỗi tháng có 1.000 lao động bỏ trốn. Trong đó, 70% đến 80% là những lao động sắp hết hạn hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài với mục đích muốn ở lại và kiếm thêm thu nhập. Bỏ trốn cũng đồng nghĩa trở thành lao động phi pháp nên những rủi ro mà người lao động gặp phải là không thể tránh khỏi.
Thực tế, đã có nhiều lao động bỏ trốn phải sống chui lủi nơi xứ người, do phải trốn tránh cơ quan chức năng sở tại, nhiều người không dám đi khám bệnh lúc ốm đau và đương nhiên sẽ không được nhận các chế độ bảo hiểm, đến khi hối hận thì đã bị trục xuất về nước.
Qua thông tin từ Cục Lao động thành phố Đào Viên (Đài Loan) cho thấy trong tổng số 96 nghìn lao động nước ngoài đang làm việc tại đây, lao động Việt Nam chiếm 30%, với 29 nghìn người. Tuy nhiên tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn luôn ở mức cao. Năm 2015 chiếm 1/2, năm nay con số tăng lên chiếm 2/3 trong tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Đào Viên.
Cùng với đó là tình trạng lao động bị công ty cung ứng và môi giới thu phí cao hơn quy định trước khi đi dẫn đến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại, ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng thị trường. Bên cạnh đó, do hiện nay nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp của thị trường Đài Loan rất lớn, nhưng chính sách của bạn lại chưa cho phép tiếp nhận loại hình lao động này nên nhiều lao động đã bỏ trốn lên núi trồng rau, trồng nấm, hái chè… trong khi chủ sử dụng lao động lại che giấu và dễ dãi trong việc tiếp nhận lao động bỏ trốn.
Cùng với đó là lộ trình giảm phí cho lao động đi làm việc tại Đài Loan đã được thực hiện từ năm 2012, nhưng hiện nay bị đánh giá là chưa phù hợp với thực tế thị trường. Do chất lượng lao động Việt Nam còn thấp so với lao động các nước cùng làm việc tại Đài Loan nên chi phí quản lý đối với lao động Việt Nam luôn cao hơn các nước, vì vậy các công ty môi giới luôn gây sức ép, thu phí cao từ phía doanh nghiệp và người lao động Việt Nam. Theo quy định, hiện mức phí của lao động đi làm việc ở Đài Loan là 4.000 USD, song trên thực tế, nhiều lao động phải chịu mức phí cao hơn nhiều trước khi xuất cảnh.
Ông Nguyễn Viết Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển quốc tế Việt Thắng (VTC Corp) chia sẻ: “Mức lương của thị trường Đài Loan trung bình, chưa kể giờ làm thêm đạt hơn 600 USD/tháng, so với thị trường Trung Đông cũng gấp rưỡi, gấp đôi, quan trọng là khí hậu của Đài Loan cũng giống khí hậu của Việt Nam”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng Ban quản lý lao động, Văn phòng kinh tế - văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết: Hiện toàn bộ lao động nước ngoài mà Đài Loan tiếp nhận là gần 60 vạn người, trong đó giúp việc gia đình khoảng 250.000, đây là ngành nghề phía bạn đang có nhu cầu rất lớn. Phía bạn cũng đang kỳ vọng vào lao động thuyền viên Việt Nam.
Với những cơ hội mới đang mở ra, giảm tình trạng lao động bỏ trốn tại Đài Loan, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước trả phí cao cho môi giới để giành đơn hàng, gây sức ép tài chính và thu phí cao đối với người lao động là yếu tố quyết định nhằm giữ vững thị trường trọng điểm này.
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết sẽ xem xét, hạn chế số lượng doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam được hợp tác với một công ty môi giới Đài Loan, nhất là công ty xếp hạng thấp. Đồng thời, xem xét để một doanh nghiệp Việt Nam được hợp tác với nhiều công ty môi giới Đài Loan. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các công ty xuất khẩu lao động phải minh bạch tất cả các thông tin về đơn hàng, thời gian đào tạo, phí môi giới, phí quản lý… theo hợp đồng ký kết với người lao động.
“Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: “Sắp tới, Bộ sẽ thống kê tình trạng lao động bỏ hợp đồng. Những doanh nghiệp có lao động bỏ hợp đồng cao hơn mức trung bình của thị trường hiện nay thì Bộ sẽ kiên quyết xử lý. Bộ cũng yêu cầu Ban quản lý lao động ở Đài Loan nhận những đơn khiếu nại của lao động và phân loại các công ty môi giới. Bộ sẽ tiếp tục rà soát các doanh nghiệp Việt Nam thu phí cao để áp dụng các biện pháp mạnh chấn chỉnh tình trạng này”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.