Nhiều mô hình giúp đỡ người sau cai nghiện hiệu quả

Thứ Ba, 02/05/2017, 08:42
Nhằm quản lí tốt các đối tượng nghiện, sau khi cai nghiện trên địa bàn, vào năm 2012 thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đã triển khai thành lập Điểm hỗ trợ, tư vấn tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy.

Qua công tác thống kê, nắm tình hình, được biết trên địa bàn thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) có 80 đối tượng nghiện và 17 đối tượng nghi nghiện, đa phần không nghề nghiệp, trình độ học vấn thấp, song song đó, tình hình tội phạm về ma túy đang có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp.

Nhằm quản lí tốt các đối tượng nghiện, nghi nghiện và sau khi cai nghiện trên địa bàn, vào năm 2012 ngành chức năng thị xã Ngã Bảy đã triển khai thành lập Điểm hỗ trợ, tư vấn tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy (gọi tắt là Điểm tư vấn).

Qua đó, công tác quản lí người sau cai nghiện mang lại nhiều hiệu quả thiết thực như: giúp đỡ vay vốn, tạo việc làm ổn định, nâng cao nhận thức rõ về tác hại của ma túy để từ đó tránh xa...

Từng là một thanh niên ham chơi, nghiện ma túy, anh Lương Châu Cường (31 tuổi, phường Ngã Bảy), sau khi được sự động viên của chính quyền, đoàn thể tại địa phương và gia đình nên đã quyết tâm từ bỏ “cái chết trắng” để làm lại cuộc đời.

Tất bật với công việc buôn bán rau, củ, quả và quần áo tại chợ Ngã Bảy, anh Cường, nhớ lại: “Học hết lớp 10 tôi nghỉ học, theo đám bạn bè tụ tập, ăn nhậu thâu đêm. Rồi trong một lần say rượu tôi đã thử hút thuốc phiện và từ đó bị nghiện lúc nào không hay. May mà nhờ có các cô chú, anh chị trên phường động viên, tạo niềm tin cho tôi đi cai nghiện tập trung 3 tháng tại Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội và Quản lí sau cai nghiện TP Cần Thơ”.

Sau khi trở về, anh Cường mặc cảm, sống khép mình và có dấu hiệu bị đám bạn cũ lôi kéo trở lại đường cũ. Nhận thấy điều đó, Điểm tư vấn đã tổ chức thăm hỏi, động viên thường xuyên, hỗ trợ cho anh Cường và vợ vay vốn với lãi suất thấp, để mở shop buôn bán.

Giờ đây, với thu nhập trên 200.000đ/ngày, gia đình anh Cường có cuộc sống ổn định, riêng bản thân anh Cường đã tu chí làm ăn, bà Nguyễn Ngọc Vân (mẹ anh Cường), vui mừng: “Nhìn đứa con trai duy nhất, tu chí làm ăn, không còn ăn chơi nữa, nhất là tránh xa được ma túy, bản thân tôi và gia đình mang ơn các anh chị trong Điểm tư vấn nhiều lắm. Nhờ đó, mà con tôi trở thành một người có ích cho xã hội”.

Thường xuyên tuyên truyền, vận động, giúp người dân nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy.
Thị Cẩm Nhung, Bí thường Đoàn phường Ngã Bảy, Chủ nhiệm Điểm tư vấn, cho biết: “Để những người sau khi cai nghiện sớm hoà nhập cộng đồng, các tư vấn viên của Điểm phải tổ chức sinh hoạt định kì 1 lần/tháng; tổ chức hơn 60 cuộc tuyên truyền, có hơn 500 người sau khi cai nghiện tham gia, xung quanh nội dung chủ yếu tuyên truyền “nói không với ma túy”.

Thường xuyên thăm hỏi, định hướng việc làm; phối hợp với gia đình và Công an địa phương giáo dục, tạo nguồn động lực cũng như nguồn vốn vay để họ làm ăn. Nhiều trường hợp đã hoàn lương, có việc làm ổn định, gia đình có cuộc sống sung túc”.

Ghi nhận tại thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) mô hình “Khu dân cư tự quản phòng, chống ma túy” đang mang lại những hiệu quả thiết thực.

Bà Nguyễn Thị Sơn Ca, Bí thư Đoàn thị trấn Cái tắc cho biết: “Trong thời gian qua, lực lượng Công an huyện, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức phát động cuộc vận động “3 không với ma túy” (không sử dụng ma túy; không tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; không dung túng, bao che tội phạm về ma túy). Qua đó, bắt 2 đối tượng có hành vi mua bán và sử dụng chất ma túy. Đồng thời, sau khi 2 đối tượng trên chấp hành án xong, quay về địa phương sinh sống, chính quyền tại đây đã quan tâm, thăm hỏi, động viên và hướng nghiệp để họ được tái hòa nhập cộng đồng”.

Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đang tiến hành triển khai thí điểm mô hình “4+1” (gồm gia đình người nghiện, nghi nghiện + bạn bè, hàng xóm + Tổ tự quản, Bảo vệ dân phố + Ban, ngành, mặt trận, đoàn thể ở địa phương cùng nhau quản lí, giáo dục, giúp đỡ 1 người nghiện ma túy hoặc người nghi nghiện), trên 5 địa bàn có người nghiện và nghi nghiện cao của tỉnh. 

Đại tá Trần Văn Minh, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hậu Giang, cho biết, hiện nay tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, không chỉ xuất hiện tại thành phố, thị trấn mà ở vùng nông thôn sâu có chiều hướng gia tăng.

“Các địa phương cần thành lập nhiều mô hình quản lý người sau cai nghiện phù hợp với tình hình đơn vị, từ đó sẽ là cầu nối để người sau cai nghiện trở về gia đình. Việc ra đời các mô hình, cách làm hay sẽ giúp người sau cai nghiện có được điểm sinh hoạt, nơi bày tỏ nguyện vọng trong quá trình làm lại cuộc đời, tránh lạc bước quay về con đường nghiện ngập” – Đại tá Trần Văn Minh, nhấn mạnh.

Trần Lĩnh
.
.
.