Nỗ lực tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy

Thứ Bảy, 06/10/2012, 20:25
Mấy ngày nay, các học viên cai nghiện, chữa bệnh tại Trung tâm GD-LĐ Hải Phòng (trên địa bàn xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên) luôn trong tâm trạng náo nức đặc biệt. Không phải bởi sắp được liên hoan, văn nghệ mà chỉ là niềm vui, xen lẫn hồi hộp chờ đón phái đoàn của các doanh nghiệp đến để... tuyển dụng lao động. Ngay cả Giám đốc Trung tâm – Thượng tá Nguyễn Quang Toàn cũng chộn rộn, đứng ngồi không yên, dù việc học viên “hậu cai nghiện” được giới thiệu việc làm công nhân tại các doanh nghiệp đã từng được thí điểm với ít nhất là 60 trường hợp.

Đến nay, có người đã yên tâm, đang quyết chí đắp xây cuộc đời, nhưng cũng có người đã không vượt qua được, để rồi phải quay trở lại trung tâm.

Đây cũng chính là lý do khiến toàn Ban lãnh đạo và 1.050 học viên ở Trung tâm Gia Minh này đang phải rất nỗ lực tìm ra những cách thức mới đưa những con người từ cõi chết của tử thần ma túy trở lại với cộng đồng. Đó cũng là thước đo kết quả của cả thầy và trò sau hai năm học viên được cai nghiện, được giáo dục, điều trị, dạy nghề tại đây.

Đúng 14h30 ngày 1/10, đoàn cán bộ tuyển dụng của Công ty cổ phần XNK Đà Nẵng xuất hiện trong sự hân hoan, háo hức của những học viên được giới thiệu đăng ký tuyển dụng trong đợt này. 56 chàng trai trong độ tuổi sung mãn nhất được Thượng tá Toàn “bảo lãnh” là những người đã qua sự kiểm tra sàng lọc tuyệt kỹ cả về sức khỏe, ý chí lẫn ý thức quyết tâm làm lại cuộc đời, sinh sống bằng sức lao động của chính mình chứ không phải là gánh nặng gia đình, xã hội.

Học viên của trung tâm đăng ký dự tuyển việc làm.

Một điều đặc biệt nữa, đại diện gia đình của 56 học viên trên cũng được mời đến để chứng kiến. Ai cũng thấy lạ bởi xin việc, đi làm là chuyện rất bình thường ngoài đời, nhưng ở đây lại là sự kiện thật trọng đại với tất cả yếu tố liên quan: trung tâm, đơn vị tuyển lao động, học viên, và chính gia đình họ.

Phải gắn kết trách nhiệm cả 4 yếu tố này thì mới có thể đi đến kết quả cuối cùng. Ông Toàn cương quyết với các phụ huynh: "Học viên được tuyển dù không còn ở trung tâm nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên đến nơi làm việc mới của họ để thăm hỏi, động viên và có thể xét nghiệm bất kỳ lúc nào. Nếu dương tính với ma túy sẽ bị trả về gia đình”.

Bà Bùi Thị Thiên Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần XNK Đà Nẵng chia sẻ: Trong bối cảnh hiện nay, công ty vẫn dành ra ít nhất 50 suất lao động tuyển dụng từ Trung tâm Gia Minh. Đó là trách nhiệm xã hội, là cách bày tỏ chân thực nhất về sự cảm thông đối với những người muốn làm lại cuộc đời. Song, một việc cũng không hề đơn giản: chúng tôi đã phải bàn bạc, thảo luận suốt nhiều tháng qua nhằm tìm tiếng nói chung.

Cái khó ở chỗ, môi trường doanh nghiệp khác với trung tâm. Cũng không thể che giấu quá khứ thân phận các học viên, nghĩa là không có sự ưu tiên nào khác giữa người sau cai và công nhân bình thường. Vấn đề còn lại là phải làm thế nào để loại bỏ sự kỳ thị, và nhất là phải có biện pháp theo dõi, giúp đỡ, tạo cho họ niềm tin đoạn tuyệt với ma túy. Bà Hương đã phác thảo sự thành công của "mô hình” tuyển dụng này trên nguyên tắc: “Bạn hãy tin chúng tôi vì chúng tôi tin các bạn”.

Càng cảm động hơn khi được biết, 5 năm lãnh đạo trung tâm này giờ vẫn mang “lon” Thượng tá CSND, Giám đốc Nguyễn Quang Toàn nguyên là Đội phó của Đội H88 Anh hùng lừng lẫy một thời của lực lượng CSHS Hải Phòng. Ông luôn trăn trở, tâm niệm: nghiện ma túy không nên xem là tội phạm, là thứ bỏ đi. Nhưng làm thế nào để họ trở thành là người hữu ích, trở về với cộng đồng bằng cuộc sống như bao người khác là điều không dễ.

Lý do rất thực tế, quy trình cai nghiện đang áp dụng đặt ra những mục tiêu quá lớn trong khi lại thiếu những bước đi căn bản và đơn giản. Tham khảo từ khắp mọi nơi trong cả nước, ông Toàn rút ra một điều, để trả lại cho người sau cai nghiện cuộc sống bình thường, trách nhiệm xã hội phải rất lớn. Nếu không chỉ là con số... tròn vo.

Từ ý tưởng này, bằng nguồn kinh phí tự tạo, tự huy động, trung tâm đã mở rất nhiều lớp dạy đủ thứ nghề, đào tạo hàng trăm lượt học viên với chất lượng không thua kém gì những trường nghề. Đặc biệt, đây là đơn vị duy nhất trong khối có thể đào tạo trình độ chính quy trung cấp nghề xây dựng cho trên 300 học viên.

Tất cả những việc làm này như một thông điệp rõ ràng, cởi mở: Xã hội luôn ở bên bạn, chỉ cần bạn tự chứng minh có thể làm mọi việc bình thường, như  những người bình thường, trong cuộc sống bình thường. 56/1.050 người được xem xét tuyển dụng trở thành công nhân từ nay đến cuối năm là một tỷ lệ vẫn còn là khiêm tốn so với nhu cầu 1.050 học viên tại Trung tâm GD-LĐ Gia Minh.

Nhưng chỉ bằng ấy thôi cũng là một núi công việc vô cùng khó khăn, vất vả khi tại đây chỉ có chức năng chính là tiếp nhận, cai nghiện, điều trị bệnh lý và sức khỏe cho người bệnh đến hết thời hạn trả về địa phương, gia đình. Làm thế nào để 56 người trong đợt đầu này không xảy ra bất kỳ "sự cố" nào. Thành, bại còn liên quan tới 56 người tiếp theo của đợt 3, đợt 4...

Có lẽ cũng còn sớm để khẳng định sự thành công từ mô hình đào tạo nghề cho học viên sau cai nghiện ma túy và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. Nhưng có thể chắc chắn một điều, đây là ý tưởng xuất phát từ trách nhiệm, từ tấm lòng, từ mong ước của tập thể CBNV Trung tâm GD-LĐ Gia Minh, Hải Phòng, của người thân 1.050 học viên. Đó cũng là điều mà mục đích cuối cùng quy trình cai nghiện ma túy đang cố gắng tiệm cận

Lê Minh Triết
.
.
.