Làm gì để giúp người sau cai nghiện?

Thứ Sáu, 06/03/2009, 14:45
Câu lạc bộ B93 dành cho những người sau cai nghiện tại Hà Nội hoạt động với phương châm "lấy nghị lực làm liều thuốc cai nghiện hữu hiệu nhất", bằng mọi cách khơi dậy tiềm năng, phẩm chất tốt đẹp của những người đã cai, giúp họ tăng cường sức mạnh, ý chí bản thân, chú ý đi sâu vào tâm tư tình cảm, vướng mắc, nguyện vọng… để động viên khích lệ giúp họ giải tỏa, tìm phương hướng trong cuộc sống.
>> Nhiều hình thức cai nghiện nhưng hiệu quả... chưa cao

Từ một mô hình điểm…

Sự quyết chí cai của người nghiện; sự quan tâm giúp đỡ của người thân là cực kỳ quan trọng, có vai trò quyết định trong quá trình cai nghiện ma tuý. Tuy nhiên, yếu tố thứ 3 là tạo cho người nghiện sau cai một môi trường lao động, môi trường sinh hoạt trong sạch về ma tuý, phong phú về văn hoá có ý nghĩa quyết định không kém, nhất là trong tình hình xã hội hiện nay, cần phải xác định và nâng cao hơn nữa vai trò quan trọng của yếu tố này.

Ở Hà Nội, mô hình Câu lạc bộ B93 dành cho những người sau cai nghiện, đã phần nào đáp ứng được những tiêu chí này.

CLB hoạt động với phương châm "lấy nghị lực làm liều thuốc cai nghiện hữu hiệu nhất", bằng mọi cách khơi dậy tiềm năng, phẩm chất tốt đẹp của những người đã cai, giúp họ tăng cường sức mạnh, ý chí bản thân, chú ý đi sâu vào tâm tư tình cảm, vướng mắc, nguyện vọng… để động viên khích lệ giúp họ giải tỏa, tìm phương hướng trong cuộc sống.

Về hình thức, CLB tập hợp số người đã cai nghiện vào một tổ chức hoạt động nhằm quản lý, giáo dục, động viên giúp đỡ họ.

Chúng tôi đã có dịp tham dự một buổi sinh hoạt tại CLB B93 phường Nguyễn Trung Trực - mô hình điểm của thành phố Hà Nội. Trong khi nhiều CLB ra đời sau hoạt động cầm chừng, thậm chí có nơi rơi vào tình trạng rã đám thì ở phường Nguyễn Trung Trực, vào tối thứ 5 hàng tuần, CLB B93 đều "đỏ đèn".

Bên cạnh những người đi cai về địa phương là những mái tóc bạc trắng của các cô, các bác tình nguyện viên, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh… Đó chính là những người đã thắp lửa cho CLB. Họ bỏ thời gian, công việc để đến đây, chia sẻ, động viên những con, những cháu của người khác, chỉ vì mục đích duy nhất là giúp người sau cai vượt qua mặc cảm để hòa nhập cộng đồng, có kỹ năng sống lành mạnh.

Sinh hoạt tại CLB, người sau cai sẽ cảm nhận được sự thương yêu, đùm bọc của cộng đồng như lời bài hát "B93 như một gia đình/ Tình thương yêu mở lối ta về".

CLB B93 phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội, nơi mở lối về cho người sau cai nghiện.

Không phủ nhận những mặt tích cực của CLB, nhưng chúng tôi còn nhiều băn khoăn ở khâu giải quyết, tạo việc làm cho người sau cai. Nếu coi Nguyễn Trung Trực là phường điểm của toàn thành phố Hà Nội làm tốt công tác này, thì ngoài CLB B93 với sự tham gia của trung bình 15 người sau cai, chỉ có 5 người trong số đó được ưu tiên vào làm việc tại điểm rửa xe của phường. Mà đây cũng không phải là công việc cố định. Những người này sẽ phải tìm công việc khác để nhường chỗ cho những người mới tham gia CLB chưa có việc làm.

Trừ một số gia đình có khả năng lo công ăn việc làm cho con em mình, còn đa phần những người đi cai về là thất nghiệp, hoặc rất khó khăn khi xin việc làm bởi tâm lý nhiều doanh nghiệp rất "ngại" nhận họ. Trong khi đó, với người đi cai về, nếu để gián đoạn một thời gian thì không tránh khỏi "nhàn cư vi bất thiện". Do đó, việc tạo ra một mô hình việc làm kết hợp quản lý người sau cai hiện nay là một nhu cầu bức thiết và cần thiết phải làm ngay.

Có thể xây dựng "Làng thanh niên tình nguyện"?

Dù là mô hình nào, theo chúng tôi cũng phải đạt được yêu cầu: Thứ nhất là môi trường lao động, tốt nhất là lao động tập trung, bảo đảm được cuộc sống và tốt hơn nữa là có thêm tiết kiệm.

Thứ hai là môi trường sinh hoạt trong sạch về ma tuý. Người đã cắt được cơn, nếu sống trong một môi trường không có ma tuý, họ sẽ không tái nghiện, đó là điều chắc chắn.

Thứ ba là môi trường sinh hoạt phong phú về văn hoá. Yếu tố này rất cần thiết, giúp người sau cai vui sống để quên đi sự quyến rũ ma quái của ma tuý. Sau một ngày lao động, các loại hình thể thao, văn nghệ, vui chơi lành mạnh… cuốn hút người sau cai không để họ có thời gian "mơ nàng tiên nâu".

Với mô hình này, chúng tôi thấy phù hợp với quy mô cấp quận, huyện. Mỗi quận, huyện có số sau cai từ 200 người trở lên dành khoảng 1.000m2 ở ngoại thành, ngoại thị để xây dựng, tạm gọi là làng thanh niên tình nguyện, dành cho người sau cai (trường hợp không có quỹ đất hoặc không đủ số người sau cai, có thể liên kết giữa các quận, huyện).

Trong làng, có đủ nơi ở, nơi sản xuất, nơi vui chơi giải trí… Kinh phí xây dựng làng có thể được lấy từ ngân sách và huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và của nhân dân… Ngành nghề sản xuất sẽ được các doanh nghiệp, trước hết là trong địa bàn quận, huyện đó đỡ đần.

Cơ quan chủ quản của các làng này giao cho Đoàn thanh niên quận, huyện hoặc Đoàn thanh niên Công an địa phương đó đảm nhận. Những thành viên trong làng là công nhân, có đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm như những công nhân ở các doanh nghiệp, khác chăng là họ bị, đúng hơn là được, cách ly khỏi môi trường ma tuý.

Trong thời gian ở làng (chừng 2-3 năm), thường xuyên và đột xuất tiến hành xét nghiệm để phát hiện những người có biểu hiện tái nghiện. Trường hợp người tái nghiện sẽ đưa ngay đi Trung tâm cai nghiện bắt buộc, không cần thủ tục rườm rà. Đây là một mô hình theo chúng tôi là có tính khả thi.

Vấn đề còn lại là chúng ta xác định rõ tầm quan trọng của việc cai nghiện và quyết tâm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy. Trong khi chưa tiến hành rộng rãi được thì nên chọn một vài địa phương làm thí điểm mô hình này.

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an):

"Khó, nhưng không phải không làm được…"

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương.

PV: Hiện nay nhiều người cho rằng nghiện ma túy giống như một căn bệnh nan y khiến xã hội bó tay. Việc giảm số người nghiện chủ yếu do lây nhiễm chuyển sang HIV/AIDS hoặc suy kiệt thể lực dẫn tới tử vong. Đồng chí Thiếu tướng có tán thành quan điểm này?

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương: Qua thực tế 15 năm gắn bó với công tác phòng, chống ma túy của cá nhân tôi, phải khẳng định một điều đối với những người nghiện ma túy nặng, việc cai nghiện để họ trở lại cuộc sống bình thường quả là rất khó khăn, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận là tỷ lệ tái nghiện còn cao. Ở Việt Nam, công tác cai nghiện ma túy được thực hiện rất quyết liệt, thể hiện ở việc Nhà nước tổ chức nhiều hình thức cai nghiện như cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng và tại cơ sở cai nghiện.

Thực tế đã có rất nhiều người nghiện, bằng các hình thức cai nghiện trên đã từ bỏ được ma túy, hòa nhập cộng đồng và trở thành những người thành đạt, có ích cho xã hội. Điều đó cho thấy công tác cai nghiện ma túy nói riêng và phòng, chống tệ nạn ma túy nói chung, là công việc đầy khó khăn nhưng không có nghĩa là chúng ta không làm được.

PV: Vậy theo đồng chí, để công tác cai nghiện ma túy thật sự đạt hiệu quả, chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì?

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương: Cai nghiện ma túy muốn thành công, trước hết và quan trọng nhất phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm của chính người nghiện. Bên cạnh đó, người nghiện ma túy rất cần nhận được tư vấn, chia sẻ, thông cảm và giúp đỡ của những người xung quanh khi cai nghiện tại cộng đồng.

Ở các trung tâm cai nghiện, phải đảm bảo môi trường lành mạnh, trong sạch về ma túy. Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ thì các trung tâm phải tổ chức cho người nghiện tập luyện, phục hồi chức năng và lao động sản xuất thường xuyên.

Một vấn đề không kém phần quan trọng khác là công tác quản lý sau cai. Thực tế thời gian người nghiện ở các trung tâm cai nghiện chỉ là cắt cơn. Do đó, khi họ trở về cộng đồng, để không bị tái nghiện, bên cạnh việc đảm bảo môi trường sạch về ma túy (thuộc trách nhiệm của chính quyền và cơ quan Công an) thì vấn đề tạo công ăn việc làm ổn định, có thu nhập đảm bảo cuộc sống là hết sức cần thiết và phải giải quyết ngay.

PV: Trong các giải pháp trên, theo đánh giá của đồng chí thì đâu là khâu yếu nhất hiện nay?

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương: Theo tôi, khâu yếu nhất hiện nay nằm ở chính quyền cấp cơ sở trong quản lý sau cai. Theo quy định, chính quyền cơ sở chịu trách nhiệm ra quyết định đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện và quản lý sau cai… nhưng lâu nay, chính quyền chưa làm hết trách nhiệm này. Do đó, cần có bước đột phá của chính quyền cơ sở, nhất là vấn đề giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm ma túy, vận động nhân dân tham gia công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, dạy nghề và giải quyết việc làm sau cai nghiện.

(Trích Chỉ thị số 32/2008/CT-TTg ngày 11-11-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị quyết số 16/2008/QH12 của Quốc hội).

Nhóm PV Nghiệp vụ
.
.
.