Nhiều hoạt động giúp đỡ người khuyết tật
- Ra mắt trang tin du lịch cho người khuyết tật
- Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam liên tiếp giành “vàng”
- 10 năm giúp người khuyết tật vượt lên, hòa nhập với cộng đồng
Chương trình do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức nhân Ngày Quốc tế người khuyết tật (3-12).
Tất cả những người khuyết tật đến tham dự Ngày hội đều được miễn phí các loại vé vào cổng, tham quan, thưởng thức các tiết mục biểu diễn, chương trình nhạc kịch, múa rối và thưởng thức đại tiệc Buffet. Bên cạnh đó, người khuyết tật được hòa mình vào không khí vui tươi, sôi nổi của Ngày hội với nhiều trò chơi phù hợp, tự tin khẳng định mình qua các hoạt động giao lưu văn nghệ, trò chơi, xóa bỏ mặc cảm tự ti.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, đây là lần thứ 18 chương trình được tổ chức nhằm tạo môi trường giao lưu, vui chơi, giải trí, góp phần đem đến niềm vui và tạo động lực để những người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.
Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ngành, kêu gọi các tổ chức, cá nhân thể hiện trách nhiệm xã hội của mình tham gia hỗ trợ, chia sẻ, động viên người khuyết tật để họ có điều kiện hòa nhập cộng đồng, đóng góp cho xã hội. Theo Ban tổ chức, qua 18 năm tổ chức, chương trình đã chào đón khoảng 155.000 người khuyết tật đến từ các tỉnh, thành phía Nam tham gia.
Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tổ chức chương trình Mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế người khuyết tật 3-12. |
*Tại thành phố Cao Lãnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật (3-12) và trao 244 xe lăn cho người khuyết tật, giúp họ khắc phục khó khăn trong vận động, cải thiện chất lượng cuộc sống, từng bước hòa nhập cộng đồng.
Hướng tới chủ đề "Tầm quan trọng của sự hoà nhập, tăng cường tiếp nhận và quyền của tất cả mọi người", Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Duy Khương cho biết, thời gian tới, ngành sẽ nỗ lực hướng tới mục tiêu đảm bảo 100% người khuyết tật thuộc diện bảo trợ xã hội được trợ cấp thường xuyên, được cấp thẻ bảo hiểm y tế... Đồng thời, cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; hỗ trợ người khuyết tật được tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, tự tin vươn lên, hội nhập cộng đồng.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có gần 21 nghìn người khuyết tật, trong đó gần 19 nghìn người khuyết tật đang được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng. Giai đoạn 2013 - 2017, các tổ chức, đoàn thể đã triển khai nhiều hoạt động giúp người khuyết tật như dạy nghề, trợ cấp xã hội, hỗ trợ phương tiện phục hồi chức năng... Theo đó, hơn 7.500 bệnh nhân đã được hỗ trợ phẫu thuật mắt đục thuỷ tinh thể; trên 1.000 ca được phẫu thuật tim miễn phí; trao trên 3.000 xe lăn, xe lắc tặng người khuyết tật...
Mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật Sáng 2-12, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật (3-12) với sự tham dự của hơn 300 người khuyết tật tại Hà Nội và các địa phương lân cận. Phát biểu tại buổi lễ, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện có gần 8 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 7,8% dân số, trong đó 1,2 triệu người là trẻ khuyết tật. Với tỷ lệ này, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật so với tổng dân số khá cao trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Phần lớn người khuyết tật Việt Nam còn có cuộc sống khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật do chất độc da cam/dioxin. Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, hành động nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật; trong đó có phần đóng góp quan trọng của Nhà nước, cộng đồng xã hội, các tổ chức quốc tế cũng như bản thân người khuyết tật. Người khuyết tật được trợ cấp xã hội, được hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng, được hỗ trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi để làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế… Tuy nhiên, công tác trợ giúp vẫn chưa thể thỏa mãn những nhu cầu cấp thiết, chính đáng của người khuyết tật. Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, mít tinh là dịp để các cơ quan đồng hành cùng người khuyết tật, với tình cảm, trách nhiệm, sự chia sẻ để tiếp tục thực hiện những cam kết đã được quy định trong Hiến pháp, pháp luật về người khuyết tật cũng như các cam kết mà Việt Nam đã tham gia với mục tiêu để giúp cho người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn, có điều kiện thuận lợi để thực hiện các quyền do pháp luật quy định. PV (Theo TTXVN) |