Nhiều hệ lụy từ việc gia tăng nhận bảo hiểm xã hội một lần

Chủ Nhật, 18/04/2021, 10:24
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhiều lao động (NLĐ) nghỉ việc, mất việc nên đã lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Việc này là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân của Đảng và Nhà nước.

Chị P.T.N., công nhân một công ty may ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, cho biết dù chị không bị cho nghỉ việc khi doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, nhưng chị vẫn quyết định xin nghỉ. “Năm nay tôi đã 40 tuổi, làm công nhân đã gần 19 năm nay, do sức khỏe khá yếu, nên gần đây năng suất lao động sút giảm. Chuyện này khiến tôi suy nghĩ không biết mình mất việc lúc nào. Chính vì thế, tôi đã nghĩ đến chuyện xin thôi việc trước rồi xin nhận khoản tiền BHXH một lần…”, chị N. chia sẻ.

Hiện tượng đăng ký nhận bảo hiểm xã hội một lần gia tăng.

Trong khi đó, chị L.T.H.A. (quận 12) lại bị mất việc vì doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng chị A. có 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học nên khi chị mất việc (chồng chị A. làm nhân viên công ty tư nhân thu nhập cũng không cao), khiến cuộc sống gia đình lâm vào cảnh khó khăn.“Tôi đã tham gia BHXH được 17 năm. Khi tôi nghỉ việc, một số bạn bè khuyên nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm để sau này nhận lương hưu. Nhưng khi thất nghiệp nên tôi khó có khả năng tham gia BHXH tự nguyện. Với khoản trợ cấp BHXH một lần, tôi sẽ có ít vốn để buôn bán online các mặt hàng như trái cây, thực phẩm… kiếm tiền nuôi con”, chị A. bộc bạch.

Theo BHXH TP Hồ Chí Minh, người có số năm đóng BHXH trên 10 năm đăng ký hưởng BHXH một lần ngày càng nhiều và độ tuổi cũng được trẻ hóa. Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, cho biết nếu như năm 2015, chỉ có 8.275 hồ sơ của người có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm đăng ký hưởng BHXH một lần (chiếm 11% tổng số hồ sơ hưởng BHXH một lần) thì đến năm 2020 tăng lên 24.915 hồ sơ (22,3%). Tuổi đời trung bình của người hưởng BHXH một lần năm 2015 là 39,9 thì đến năm 2020 chỉ còn là 35,4 tuổi.

Trên phạm vi cả nước, theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2014 - 2020, cơ quan BHXH đã giải quyết chi trả cho khoảng 4,5 triệu người hưởng BHXH một lần. Bình quân mỗi năm có hơn 600.000 người hưởng BHXH một lần, tương đương số người tham gia mới hằng năm. Đáng lo ngại, chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, số người hưởng BHXH một lần tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, cả nước có 226.503 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Một số địa phương bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 có số người hưởng BHXH một lần tăng cao như: Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng… 

Theo ông Phan Văn Mến, có nhiều nguyên nhân khiến NLĐ chọn hưởng BHXH một lần. Trong đó, việc thay đổi chính sách về tỷ lệ tính lương hưu và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo từng năm đối với cả nam lẫn nữ có tác động không nhỏ.“Với người còn trẻ, tăng tuổi nghỉ hưu khiến họ cảm thấy việc đủ điều kiện về tuổi đời để được hưởng lương hưu khó đạt. Do đó, nhiều trường hợp NLĐ có thời gian tham gia BHXH trên 19 năm, thậm chí đã đóng BHXH được 19 năm 11 tháng, nhưng vẫn quyết định nghỉ việc để đủ điều kiện hưởng BHXH một lần. Khi tiếp nhận những hồ sơ này, BHXH TP Hồ Chí Minh đã tư vấn rất kỹ để NLĐ xem xét thiệt hơn nhưng họ vẫn quyết định hưởng”, ông Phan Văn Mến cho hay.

Một lý do khác cũng liên quan đến việc thay đổi chính sách là mức hưởng BHXH một lần theo quy định của Luật BHXH năm 2014 được điều chỉnh cao hơn so với quy định trước đây (từ 1,5 tháng lương lên 2 tháng lương cho mỗi năm làm việc từ năm 2014). Bên cạnh đó, việc bỏ quy định nộp hồ sơ nhận trợ cấp BHXH một lần tại nơi cư trú và đơn không cần xác nhận của chính quyền địa phương cũng khiến lượng hồ sơ đề nghị giải quyết BHXH một lần tăng nhanh.

Ngoài ra, do tác động của dịch bệnh COVID-19, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc. Đến nay, NLĐ đã nghỉ việc đủ 12 tháng nên làm thủ tục đề nghị hưởng BHXH một lần với mong muốn có một khoản tiền để trang trải cuộc sống hiện tại. Song song đó, còn do một bộ phận nhỏ NLĐ vẫn chưa hình thành thói quen lúc trẻ đóng BHXH để khi về già có lương hưu, không phải phụ thuộc vào con cháu.

Trao đổi xung quanh tình trạng này, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam, nhấn mạnh, việc nhận BHXH một lần sẽ đem đến nhiều thiệt thòi cho NLĐ. NLĐ không nên vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già. Nếu cùng một thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hằng tháng sẽ cao hơn nhiều khi hưởng BHXH một lần.

Trong trường hợp, với những khó khăn trước mắt (do mất việc làm, giảm sút thu nhập gây nên), NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện (được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, với các mức hỗ trợ 10-25-30% theo mức đóng)…

Liên quan đến vấn đề này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ năm 2020, nhiều NLĐ bị mất việc, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn. Tuy nhiên, để hưởng BHXH một lần, NLĐ phải chờ sau 1 năm nghỉ việc. Lợi dụng tình hình này, nhiều đối tượng bày ra chiêu trò mua bán, cầm cố sổ BHXH núp dưới hình thức ủy quyền nhận thay BHXH một lần. Hành vi này không chỉ khiến NLĐ thiệt thòi quyền lợi mà còn khiến tình trạng nhận BHXH một lần tăng nhanh. Từ thực tế đó, BHXH TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị đưa hành vi mua bán sổ BHXH vào xử lý hình sự nhằm tăng cường tính răn đe, kịp thời ngăn chặn hành vi trục lợi BHXH, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ.

Phú Lữ
.
.
.