Gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần: Người lao động cần cân nhắc thiệt hơn

Thứ Sáu, 02/04/2021, 08:57
Theo con số của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giai đoạn 2016-2020 số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang tăng với tốc độ tăng trung bình khoảng 11% mỗi năm.

Các chuyên gia cho rằng, vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi sau này của hàng triệu lao động, mà còn đặt ra thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, cũng như hoàn thành mục tiêu về mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội theo định hướng của Đảng, Nhà nước thời gian tới.

Sau gần chục năm làm công nhân tại khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lanh (quê ở Nông Cống, Thanh Hóa) quyết định sẽ nghỉ việc để về quê.

Chị Lanh cho hay, hai vợ chồng chị có một con nhỏ, với lương công nhân chỉ đủ để trả tiền thuê nhà, điện nước, chi phí sinh hoạt và tiền đóng học cho con. Gần chục năm làm việc cật lực nhưng vợ chồng chị không thể để ra được khoản nào tiết kiệm. Trước đây cả tiền tăng ca, cuộc sống còn tạm ổn, nhưng nay do dịch bệnh, việc làm ít hơn, hầu như không có tăng ca nên cuộc sống càng lúc càng ngột ngạt.

“Cả hai vợ chồng quyết định sẽ về quê tìm kiếm việc làm khác. Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Cũng được một khoản về quê có thể tính toán việc gì đó. Nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần, về quê tiếp tục xin việc làm công nhân thì đóng tiếp bảo hiểm, chúng tôi sẽ có nhiều cái lợi sau này. Tuy nhiên, cái khó bó cái khôn, thêm nữa không biết về quê có tiếp tục đi làm công nhân nữa hay không. Nếu đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì chúng tôi không có khả năng. Tạm thời cứ làm hồ sơ lĩnh một khoản về quê rồi tính tiếp”, chị Lanh chia sẻ.

Số người rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội đang tăng dần qua từng năm.

Không có ý định về quê, nhưng anh Vũ Duy Hưng (Trực Ninh, Nam Định) cho hay anh cũng quyết định nghỉ việc và làm hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Anh Hưng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm kỹ thuật, nhưng không tìm được việc làm, chính vì thế anh cũng phải đi làm công nhân cơ khí tại một doanh nghiệp khu vực quận Hà Đông. Nhưng với mức lương xấp xỉ 7 triệu đồng/tháng, anh chỉ đủ trả tiền thuê nhà và chi tiêu cá nhân. Sau vài ba lần công ty phải giãn việc, anh quyết định nghỉ hẳn, ra ngoài làm tài xế xe ôm công nghệ.

“Công việc cũng vất vả nhưng thu nhập tốt hơn hẳn công nhân, bên cạnh đó, mình còn được chủ động thời gian. Biết là nghỉ việc, hưởng bảo hiểm xã hội một lần cũng chẳng được bao nhiêu với quãng thời gian đóng chỉ hơn 6 năm. Tuy nhiên cũng chẳng biết lúc nào thì mình sẽ tham gia lại bảo hiểm xã hội nữa nên tôi đành lấy về. Nếu kiếm việc làm ở một công ty khác, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì sau này sẽ có lương hưu, mà người lao động cũng chỉ đóng có 8%, hơn 20% là do công ty đóng. Thực sự là người lao động được lợi rất nhiều, nhưng nếu tiếp tục đi làm mà lương chỉ đủ ăn, chẳng có dư dả để làm việc khác thì chả giải quyết vấn đề gì. Thêm nữa là phải vài chục năm nữa mới được hưởng lương hưu nên tôi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần và đi làm tự do”, anh Hưng phân tích.  

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2019 nhiều nhất là từ 26 đến 29 tuổi. Việc lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn so với hưởng lương hưu hàng tháng. Chẳng hạn, không được Quỹ Bảo hiểm xã hội trả kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế khi hết tuổi lao động và các quyền lợi về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; khi qua đời thì người lo mai táng không được hưởng trợ cấp mai táng phí và trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần; mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần chỉ 1,5 tháng hoặc 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng theo quy định thấp hơn mức người lao động và người sử dụng lao động đóng (2,64 tháng lương)…

Như vậy, khi người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần, sẽ thiệt thòi khi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Để đến khi về già, không được hưởng hưu trí, họ phải phụ thuộc vào con, cháu và xã hội; nếu không may bị bệnh, không có thẻ bảo hiểm y tế còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám, chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài. Từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội.

Phân tích về nguyên nhân gia tăng số người lao động đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho rằng, nguyên nhân là do điều kiện thu nhập, đời sống của người lao động hiện nay còn quá khó khăn. Hầu hết người lao động có thu nhập vừa đủ hoặc phải hết sức tằn tiện, phải làm thêm giờ mới có thể đủ trang trải cuộc sống, “ráo mồ hôi là hết tiền”.

“Cuộc sống quá khó khăn, nên khi phải nghỉ việc, hầu hết người lao động buộc phải lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần để có một khoản tiền lo cho sinh hoạt trước mắt. Đây là sự lựa chọn mà không phải người lao động nào cũng mong muốn”, ông Quảng cho hay.

Bên cạnh đó, ông Quảng cho rằng, người lao động rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội còn do chính sách. Hiện nay, người lao động muốn hưởng chế độ hưu trí phải có ít nhất 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đảm bảo tuổi đời theo quy định; trong khi tuổi đời của số đông người lao động khi nghỉ việc còn trẻ. Họ không thể chờ đợi đóng đủ 20 năm để được hưởng chế độ. Do đó, ông Lê Đình Quảng cho rằng, hệ thống bảo hiểm xã hội phải được hoàn thiện theo hướng linh hoạt, đa dạng, đa tầng mới thu hút người người tham gia.

Đồng thời cần tăng quyền lợi cho người lao động nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí; giảm điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng.

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TBXH) cũng cho rằng, để người lao động không rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội cần phải có những giải pháp tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động.

“Chỉ khi người lao động có thu nhập ổn định, có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí trong sinh hoạt và có tích lũy thì khi đó sẽ nâng cao khả năng tiết kiệm, tham gia đóng góp để thụ hưởng khi về già”, ông Nam cho hay.

Ông Nam cũng cho rằng, cần thực hiện sớm việc giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm; hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt (bổ sung thêm các chế độ ngắn hạn).

Từ đó tăng thêm cơ hội cho những người lao động sau khi bị mất việc làm, không có cơ hội để trở lại với khu vực lao động chính thức, vẫn có thể tiếp tục tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Phan Hoạt
.
.
.