Nhiều dòng kênh đã ô nhiễm, tiếp tục bị “bức tử”

Thứ Hai, 13/05/2019, 07:26
Tình trạng xả rác trực tiếp xuống kênh đã làm chất lượng nguồn nước kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác thải ngập các dòng kênh, rạch, hệ thống hố ga gây nghẽn dòng chảy, mới chỉ một cơn mưa đầu mùa đã làm cho tình trạng ngập xảy ra tại nhiều tuyến đường thành phố.


TP Hồ Chí Minh có khoảng 2.900 tuyến kênh, rạch các loại đan xen nhau. Ngoài phục vụ cho giao thông đường thủy, những tuyến kênh rạch này còn có vai trò hết sức quan trọng điều tiết nước thải, cũng như mang lại cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống cho người dân. 

Thế nhưng, tình trạng xả rác trực tiếp xuống kênh đã làm chất lượng nguồn nước kênh rạch ở thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác thải ngập các dòng kênh, rạch, hệ thống hố ga gây nghẽn dòng chảy, mới chỉ một cơn mưa đầu mùa đã làm cho tình trạng ngập xảy ra tại nhiều tuyến đường thành phố.

Con rạch dọc đường CN1 thuộc KCN Tân Bình đã lâu không được khai thông nên cỏ mọc um tùm, nó còn bị những người bán hàng hoá tại chợ tự phát khu vực hai cây cầu gần con rạch này xả ngập rác. Dòng nước đã đen lại càng đen thêm. Trưa 12-5, khi đi qua cầu trên đường CN1-Lê Trọng Tấn và CN1 – M1, mặc dù đã đeo khẩu trang nhưng nhiều người vẫn không thể chịu được mùi hôi thối thốc vào mũi. 

Tương tự, con rạch giáp ranh giữa xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) với xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn), dòng nước vốn đã rất đen, nó còn bị nhiều người dân dọc hai bên xả đầy rác, nhất là khu vực chợ tạm khu vực cầu giáp ranh đường Vĩnh Lộc và đường Phan Văn Đối. Khi đi dọc theo con rạch trên đường Phan Anh, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, nhiều người không thể thở được khi bị mùi hôi thối của dòng nước thốc vào mũi, dòng nước như quánh lại, rác ngập cả trên bờ lẫn dưới nước.

Thực tế hiện có rất nhiều con kênh, rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không còn sự sống. Ngay cả dòng sông Cần Giuộc – đoạn chảy qua địa bàn quận 8, nước sông cũng đen kịt. Mỗi ngày đi trên phà từ trung tâm phường 7 qua bên kia sông, mặc dù đã đeo khẩu trang, nhưng nhiều người trên phà vẫn phải dùng tay bịt mũi, ráng đợi và mong phà chạy nhanh lên bờ để thở.

Theo Công Ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh, ngân sách thành phố mỗi năm bỏ ra hàng chục tỷ đồng để nạo vét kênh rạch nhưng vừa nạo vét xong thì chỉ trong một thời gian ngắn chuyện đâu lại vào đó, rác vẫn ngập kênh, rạch. Hầu hết nước kênh, rạch đều có màu đen, bốc mùi hôi thối.

Người dân xả rác gây ô nhiễm môi trường tại các con kênh.

Thực tế để bảo vệ môi trường, nhất là các dòng kênh trên địa bàn, nhiều năm qua, chính quyền TP Hồ Chí Minh luôn phát động, kêu gọi người dân không xả rác. Gần cuối năm, Ban Dân vận Thành ủy đã có Chỉ thị 19-CT/TU thực hiện cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. 

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện chỉ thị này, được tổ chức ngày 11-5, thành phố cho biết đã xóa được 277 điểm trong tổng số 369 “điểm đen” về rác thải (chiếm 77%). Tuy nhiên, bên cạnh kết quả này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, việc thực hiện cuộc vận động vẫn còn nặng hình thức. 

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy cho rằng, việc xử lý rác thải ra đường và vứt xuống kênh rạch, xử lý “điểm đen” về ô nhiễm chưa triệt để. Việc ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường chưa thu hút được đông đảo nhân dân cùng tham gia, mà chủ yếu là đoàn viên, hội viên của các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, công chức, viên chức; học sinh, sinh viên.

Các hộ dân có nhà trên và ven kênh rạch vẫn còn thói quen xả rác thải trực tiếp xuống kênh rạch, làm gia tăng ô nhiễm trên các tuyến kênh, rạch. Trong khi đó, trách nhiệm, ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng chưa cao, chưa thành thói quen, tự giác thì việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thường xuyên, lại thiếu kiên quyết.

Về nguyên nhân, ông Nguyễn Hữu Hiệp cho rằng, chủ yếu là do nhận thức về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của một số cấp ủy, chính quyền, nhất là của người đứng chưa đầy đủ, toàn diện. Do đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, đồng bộ, còn mang tính phô trương, hình thức.

Đối với 92 “điểm đen” còn lại, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh  Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các địa phương xác định thời hạn để xóa bỏ. Đồng thời, chỉ ra tình trạng nhiều nơi đã có mô hình, đã có khu phố, kênh rạch sạch nhưng sau đó lại “thả nổi”, chưa rõ cơ quan giám sát. Bí thư Thành ủy yêu cầu, cùng với người dân tự quản, thì cần chỉ rõ cơ quan, tổ chức nào thực hiện việc giám sát, giữ gìn môi trường sạch đẹp.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, 80% bệnh tật ở nước ta có liên quan đến nước và vệ sinh môi trường bị nhiễm bẩn. Tổ chức Y tế thế giới cũng khẳng định, mỗi năm có hơn 20.000 người Việt Nam chết do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm và mất vệ sinh.

Điều đáng lưu ý, những nhóm bệnh phát sinh cho cộng đồng từ việc tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm rất khó lường trước. Như nhóm các bệnh do vi sinh vật gây ra bao gồm các bệnh về đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A, bại liệt, giun sán, bệnh ngoài da, phụ khoa, bệnh về mắt… 

Nhóm các bệnh khác không do sinh vật gây ra, mà do có khoáng chất vượt quy định như các bệnh về da (asen), hệ thần kinh (thủy ngân, chì), chất thải hóa học khác có nồng độ cao có thể gây ngộ độc… 

Đáng lo ngại là các bệnh do hóa chất thường không xuất hiện tức thời, mà độc tính của các hóa chất tích lũy lâu dần gây nên các bệnh mãn tính. Phổ biến nhất là tình trạng gia tăng người mắc các chứng bệnh về ung thư, dị tật thai nhi, khuyết tật thần kinh…

Nhân Sơn
.
.
.