Người lao động chưa quyết liệt đấu tranh với doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm

Thứ Hai, 25/09/2017, 08:24
Con số thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện có đến hơn 7 triệu người lao động chưa được đảm bảo quyền lợi về BHXH. Tuy nhiên, có một thực tế là dù quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng nhưng người lao động dường như vẫn ngại lên tiếng, âm thầm chịu thiệt.

Phải chăng đó chính là lý do khiến nhiều doanh nghiệp vẫn ngang nhiên vi phạm các quy định...

Chưa quyết liệt hay thờ ơ?

Anh Mai Văn Hùng, công nhân cơ khí từng làm việc tại Công ty CP 116 CIENCO1 cho biết, năm 2012, anh vào làm việc tại doanh nghiệp này và có ký hợp đồng lao động. 

Đến giữa năm 2016 anh phải nghỉ việc vì lý do gia đình. Sau đó anh tìm được một công việc ở công ty khác, anh đến công ty cũ yêu cầu được chốt sổ BHXH để chuyển đến công ty mới.

Thế nhưng, nhiều lần đi lại anh Hùng vẫn không chốt được sổ mà chỉ nhận được những lời hứa hẹn. Gần đây khi thông tin báo chí rùm beng về việc doanh nghiệp nợ BHXH, anh Hùng tìm hiểu mới biết hiện CIENCO1 vẫn đang nợ BHXH Hà Nội cả chục tỷ đồng, chính vì thế mà anh chưa chốt được sổ.

“Công ty nợ BHXH nhiều như thế có nghĩa là suốt một thời gian dài chúng tôi không được đóng BHXH. Nếu như trước đây, tôi quan tâm hỏi rõ, yêu cầu doanh nghiệp cho xem sổ BHXH thì đã không mất trắng mấy năm đóng BHXH...”, anh Hùng than thở.

Khác với trường hợp của anh Hùng, chị Đặng Mai Lan cũng đang bị treo quyền lợi, vì công ty đang nợ BHXH. Năm 2012 chị chuyển về làm việc tại một công ty may ở KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Đầu năm 2017 chị nghỉ chế độ thai sản và đưa giấy tờ cho chồng đi làm thủ tục để hưởng chế độ thai sản, mới té ngửa biết công ty vẫn đang nợ BHXH và không được thanh toán chế độ.

Đa số người lao động vẫn “ngại” lên tiếng khi doanh nghiệp nợ BHXH.

Theo con số của Liên đoàn Lao động  (LĐLĐ) TP Hà Nội, việc các doanh nghiệp nợ BHXH hiện đang ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 800.000 lao động. Tính trên phạm vi cả nước, theo thống kê của BHXH Việt Nam thì khoảng 7,5 triệu người lao động vẫn chưa được đảm bảo quyền lợi về BHXH.

Vậy nhưng, theo thừa nhận của các cơ quan quản lý, việc khởi kiện doanh nghiệp trốn, nợ BHXH gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, một nguyên nhân không nhỏ khiến công tác này chưa đạt hiệu quả là do bản thân người lao động còn thờ ơ, chưa quan tâm tới quyền lợi chính đáng của mình.

Thậm chí, nhiều người lao động sau quá trình dài làm việc tại một doanh nghiệp cũng không biết rõ doanh nghiệp có đóng BHXH cho mình hay không, chủ doanh nghiệp nói thế nào nghe thế đó. Hay một số người lao động sau khi viết đơn nghỉ việc, chuyển sang doanh nghiệp khác, muốn được nhận lại sổ BHXH để hoàn thiện hồ sơ làm việc nhưng khi lên phòng hành chính của doanh nghiệp hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời chờ đợi...

Có thể khiếu nại, khởi kiện doanh nghiệp

Đề cập đến việc người lao động chưa biết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đồng tình. 

Ông Chính cho biết, hiện tại chỉ có những người đã chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc ở doanh nghiệp mới “dám” tố cáo doanh nghiệp. Những lao động đang làm việc rất e dè trong việc khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn khởi kiện. Chính vì vậy, các cán bộ công đoàn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác khởi kiện.

Theo ông Chính, người lao động nên tìm hiểu kỹ về các chế độ chính sách lao động, Luật BHXH, sau thời gian thử việc, đề nghị doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký BHXH; sau đó thường xuyên quan tâm về số sổ BHXH đã đăng ký ở đơn vị mình.

Ở góc độ khác, PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, bảo vệ quyền lợi cho người lao động là tổ chức Công đoàn các cấp, song hiện nay tổ chức này chưa phát huy hết vai trò, trong đó Công đoàn vẫn chịu sự chi phối của chủ DN.

Luật sư Bùi Sinh Quyền, Văn phòng Luật sư Phúc Thọ (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động thì đầu tiên người lao động có thể tự mình yêu cầu hoặc thông qua Công đoàn cơ sở yêu cầu phía Công ty gửi công văn cho cơ quan BHXH để đóng trước nợ BHXH cho những lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH cụ thể theo quy định tại Công văn số 1741/LĐTBXH-BHXH ngày 27-5-2014 Bộ LĐ-TBXH gửi BHXH Việt Nam.

Công ty có thể chi trả trước số tiền chi trả các chế độ BHXH cho người lao động, sau đó quyết toán lại với cơ quan BHXH khi thanh toán đủ số nợ.

“Nếu như phía Công ty vẫn cố tình không giải quyết thì người lao động có thể gửi đơn khiếu nại lên Phòng LĐ- TBXH hoặc Thanh tra Sở LĐ- TBXH. Hoặc người lao động có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu đòi đảm bảo quyền lợi chính đáng cho mình”, Luật sư Bùi Sinh Quyền đưa ra các phương án.

Phan Hoạt
.
.
.