Nợ đọng Bảo hiểm xã hội: doanh nghiệp chây ì, công nhân chịu hậu quả

Cần phải khởi tố hình sự các DN chây ì, nợ đọng bảo hiểm xã hội

Thứ Bảy, 26/08/2017, 11:42
Chưa thể khởi kiện do nhiều vướng mắc về pháp lý, doanh nghiệp thì vẫn chây ì bởi chẳng chết ai, chỉ có hàng triệu công nhân người lao động phải chịu thiệt.

Khởi tố các doanh nghiệp chây ỳ, cố tình nợ đọng BHXH là vấn đề đã được bàn thảo. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ biện pháp này mới thực sự đủ sức răn đe và giải quyết triệt để được tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH hiện nay.

Nợ trên 6 tháng có thể bị khởi tố

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng ban Thu – BHXH Việt Nam cho biết: Tới đây, khi Bộ luật Hình sự được thông qua, tội danh trốn đóng BHXH sẽ được nâng lên. BHXH sẽ phối hợp với lực lượng công an để triển khai vấn đề này.

Sau khi BHXH thanh tra xong, các doanh nghiệp vẫn cố tình nợ thì BHXH Việt Nam sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang cho phía công an để khởi tố.

Bởi vì từ 6 tháng trở lên anh đã phạm vào tội danh chiếm đóng rồi. Bởi bản thân người lao động đã đóng cho anh, nhưng 6 tháng mà anh không nộp cho cơ quan BHXH thì có nghĩa là anh đã chiếm dụng rồi.

Biện pháp này sẽ là biện pháp mạnh nhất, hiệu quả nhất “Phải truy tố được người ta vào cái tội danh đó thì mới có hiệu quả. Cá biệt có những doanh nghiệp nợ đến 105 tháng, còn nợ 40-50 tháng là chuyện bình thường”.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thì tình trạng nợ BHXH hiện đang tăng nhanh. Khi Bộ luật Hình sự sửa đổi được thông qua và có hiệu lực thi hành thì quy định phạt tù đối với chủ doanh nghiệp nợ BHXH sẽ có hiệu lực.

Theo ông Chính, việc khởi tố đối với các chủ doanh nghiệp cố tình chây ì BHXH đáng ra là vấn đề phải được thực hiện sớm hơn.

“Nợ BHXH là một tội ác. Tôi đã nghe câu chuyện về việc một công nhân sau 25 năm làm việc, thế nhưng đến lúc xin nghỉ mới biết công ty còn nợ tiền BHXH khá lớn và không chốt được sổ. Bệnh tật cứ ập đến liên tục không kịp trở tay, gia cảnh khó khăn, con nhỏ còn đang đi học, một tay người vợ phải chèo chống. Thuốc thang mỗi tháng vài triệu đồng, nợ nần cứ thế mà chồng chất. Không chốt được sổ BHXH, không chế độ gì, đi một chặng đường dài đến thế mà rốt cuộc không được gì, rõ là cay đắng”, ông Mai Đức Chính nói.

Công nhân đình công, lãn công có một phần xuất phát từ việc doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định về đóng BHXH cho người lao động.

Cần sớm có phương án đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Doanh nghiệp nợ đọng, chây ì BHXH phải kiên quyết xử lý, thế nhưng hàng trăm nghìn lao động, thậm chí cả triệu lao động đang bị ảnh hưởng quyền lợi từ những vi phạm của doanh nghiệp này sẽ giải quyết thế nào là vấn đề các cơ quan chức năng sớm phải tính đến.

Theo ông Nguyễn Trí Đại, BHXH Việt Nam đang phối hợp cùng Bộ LĐ- TB&XH đang có chương trình xử lý nợ. Nợ theo diện đã giải thể, phá sản theo báo cáo hiện nay là 220 tỷ đồng. Quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp này đang bị treo lại, chưa được giải quyết.

Liên quan đến vấn đề này, nội dung thì cũng đã cơ bản rồi, chỉ chờ trình Chính phủ. Tuy nhiên, một vấn đề đáng lưu ý hiện nay là từ năm 2015, số lương doanh nghiệp thuộc vào diện đình trệ sản xuất, sắp giải thể phá sản đang có tổng số nợ lên tới 1.400 tỷ đồng.

Với các trường hợp này, BHXH sẽ phải đưa vào khoanh lợi, đồng thời để giải quyết quyết quyền lợi cho người lao động.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) thì hiện nay có hàng chục nghìn lao động chưa được giải quyết quyền lợi do doanh nghiệp không có khả năng thanh toán.

Ông Quảng đưa ra 3 phương án trong đó, phương án 1 ngân sách nhà nước bỏ tiền ra, phương án 2 là quỹ bỏ tiền ra. Đây là 2 phương án đảm bảo được quyền lợi cho người lao động nhưng hiện nay lại đang bị vướng về luật pháp vì ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ bảo hiểm tự nguyện, còn BHXH bắt buộc do doanh nghiệp đóng không giải quyết được.

Phương án cuối cùng là lấy tiền lãi chậm đóng trả nợ cho BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Phương án này có ưu điểm là chỉ cần sửa đổi một số quy định của pháp luật có liên quan. Phương án này đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng của Luật BHXH, đồng thời ngân sách nhà nước không phải bố trí.

Hơn nữa, phương án này chỉ cần Chính phủ ra quyết định, không cần phải qua Quốc hội. Tuy nhiên, ông Quảng vẫn băn khoăn là phương án này đảm bảo quyền lợi của người lao động, nhưng liệu về lâu dài, phương án này có bền vững? Nếu tiền lãi thu không đủ chi trả thì lấy gì để đảm bảo?

Theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, việc đầu tiên phải quan tâm hiện nay là phải đảm bảo được quyền lợi cho người lao động.

Ông Liệu cho rằng, lấy tiền lãi chậm đóng để trả nợ cho BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động là phương án tốt nhất, nhưng ông Liệu cho rằng cần thiết phải gắn thêm trách nhiệm của địa phương vào trong việc này.

“Luật BHXH cũng như các luật liên quan hiện nay chưa có bất kỳ một quy định nào để khoanh nợ, xử lý và giải quyết quyền lợi của người lao động khi họ bị xâm hại. Do đó, cần thiết phải có một nghị định để giải quyết vấn đề này”, ông Liệu cho hay.

Phan Hoạt
.
.
.