Nợ đọng Bảo hiểm xã hội: Khó kiện vì vướng luật

Thứ Sáu, 25/08/2017, 10:35
Kiện các doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa là giải pháp rất được chờ đợi nhằm giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên có một thực tế rằng, kể từ khi công đoàn cơ sở được kiện doanh nghiệp ra tòa theo Luật BHXH 2014, chưa có vụ kiện nào được tòa giải quyết. Nguyên nhân được lý giải là các quy định chồng chéo nhau và quy trình, thủ tục rườm rà khiến cho việc khởi kiện doanh nghiệp chưa có hiệu quả.

Chưa vụ nào được tòa thụ lý

Là địa phương có số nợ BHXH cao nhất cả nước, BHXH TP Hà Nội đã chuyển cho LĐLĐ TP Hà Nội hơn 330 bộ hồ sơ liên quan đến nợ BHXH của các doanh nghiệp. LĐLĐ TP Hà Nội cũng đã gửi cho tòa án 29 bộ hồ sơ, tuy nhiên đến nay chưa có bất kỳ vụ nào được tòa thụ lý.

Theo thông tin từ LĐLĐ TP Hà Nội, 29 bộ hồ sơ được LĐLĐ TP Hà Nội lựa chọn gửi trước sang phía tòa án đều là những doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn (hàng tỷ đồng) và có thời gian nợ kéo dài. Điển hình như: Công ty CP COMA18 nợ gần 5 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Hà với số nợ hơn 2,7 tỷ đồng, Công ty Đầu tư và phát triển công nghệ Mefrimex với số nợ hơn 2,6 tỷ đồng…

Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ TP Hà Nội) cho biết đến nay chưa có vụ nào tòa án thụ lý và tiến hành xét xử bởi hiện đang còn vướng về thẩm quyền. Ông Dưỡng giải thích, theo Luật tố tụng Dân sự và Luật Lao động thẩm quyền đứng ra khởi kiện đòi quyền lợi cho người lao động trong đó có BHXH là thẩm quyền của công đoàn cơ sở. Nếu LĐLĐ quận, huyện đứng ra khởi kiện thì phải có ủy quyền của công đoàn cơ sở.

“Cái khó hiện nay là công đoàn cơ sở làm sao làm được. Không thể có ông chủ tịch công đoàn cơ sở nào dám đứng lên để khởi kiện lãnh đạo ông ấy được. Như thế thì có mà mất cả sự nghiệp, mất cả công việc. Không chỉ có thế, để cho chủ tịch công đoàn đứng ra khởi kiện còn cần một loạt thủ tục hành chính nữa. Ví dụ như: họp như thế nào, lấy ý kiến bao nhiêu người, bao nhiêu người ủy quyền cho ông chủ tịch công đoàn cơ sở thì mới gọi là đại diện được. Chứ không thể đùng một cái ông chủ tịch công đoàn cơ sở lên khởi kiện được ngay. Cái này chưa có hướng dẫn của tòa án. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục nói chung còn đang vướng quá nhiều vấn đề. Chính vì thế mà chúng tôi gửi 29 bộ hồ sơ sang tòa án thì đều bị phía tòa án trả lại”, ông Dưỡng lý giải.

Theo con số của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) thì đến nay phía cơ quan BHXHVN đã chuyển giao cho Tổng LĐLĐVN gần 1.200 bộ hồ sơ liên quan đến doanh nghiệp nợ đọng BHXH, đã có 39/63 LĐLĐ tỉnh, thành phố nộp đơn khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, đến nay trong số 77 vụ mà LĐLĐ tỉnh, thành phố đã gửi ra tòa án, một số đã bị tòa trả lại với các lý do: một là không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, hoặc là phía tòa án cho rằng các vụ kiện này thuộc về tranh chấp tập thể về quyền mà chưa được Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết, hoặc là chưa được giấy ủy quyền của công đoàn cơ sở.

Chỉ riêng thủ tục ủy quyền của người lao động cho đại diện công đoàn cũng rất phức tạp trong các vụ kiện doanh nghiệp nợ BHXH.

Chính vì sự chồng chéo giữa các quy định dẫn đến việc chưa thể khởi kiện thành công một vụ doanh nghiệp nợ BHXH nào để tạo thêm sức răn đe. Đề cập đến vấn đề này, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng khẳng định, để có thể khởi kiện được doanh nghiệp nợ BHXH hiện nay thì bắt buộc phải sửa luật. “BHXH thay mặt cho Nhà nước quản lý một nguồn vốn lớn lên đến mấy trăn nghìn tỷ, thế thì BHXH cũng nên có quyền khởi kiện.

Tất nhiên để BHXH khởi kiện được thì phải sửa Luật, hoặc là sửa luật BHXH hoặc là sửa Luật Tố tụng dân sự, hoặc Quốc hội có nghị quyết. Nếu giao cho công đoàn khởi kiện thì quan điểm của Tổng LĐLĐVN là chỉ công đoàn cấp trên khởi kiện và để làm được việc này cũng phải sửa luật”, ông Chính nói.

Nợ đọng BHXH là do công tác quản lý kém?

Nói về việc các doanh nghiệp ở Hà Nội đang nợ BHXH cao nhất cả nước, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó giám đốc BHXH Hà Nội cho rằng số nợ cao chủ yếu do các doanh nghiệp là đơn vị xây dựng, cầu đường, những đơn vị này đang gặp khó khăn trong kinh doanh, sản xuất. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp doanh thu tốt vẫn cố ý chây ì nợ đóng bảo hiểm cho người lao động.

Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp không có địa chỉ rõ ràng, chỉ có bảo vệ hoặc chỉ có duy nhất một lao động. Ngoài ra, có những doanh nghiệp đã được thanh, kiểm tra nhưng không thực hiện kết luận, không nộp tiền nợ nhưng vẫn chưa bị xử phạt hành chính; nhiều doanh nghiệp không chịu ký vào biên bản đối chiếu thu nợ.

Đề cập tới vấn đề này, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Lê Đình Hùng cho rằng: “Cái bất công của câu chuyện nợ đọng BHXH là người lao động không có lỗi. Tiền lương hàng tháng doanh nghiệp vẫn khấu trừ nhưng không nộp cho cơ quan bảo hiểm. Đến khi giải quyết chế độ lại không giải quyết cho người lao động vì doanh nghiệp nợ. Có những doanh nghiệp nợ đến 5, 7 năm cả chục tỷ đồng”.

Theo ông Hùng, vấn đề nằm ở chỗ công tác quản lý kém, sau đó lại đưa bài toán dựa vào người lao động tạo sức ép (để công đoàn đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp) cho doanh nghiệp phải nộp. Trong khi đó, bản chất câu chuyện, doanh nghiệp vi phạm thì phải phạt doanh nghiệp, không thể từ đó bắt người công nhân phải gánh chịu.

“Cứ bảo chế tài thấp không xử lý được doanh nghiệp, vậy nhưng thực tế có phạt doanh nghiệp nào đâu. Chúng ta cứ xem lại từ trước đến nay, Chủ tịch UBND các quận, huyện đã xử lý vụ nào doanh nghiệp nợ đọng BHXH chưa? Chưa có một trường hợp nào. Anh là quản lý nhà nước, công cụ của anh là kiểm tra và xử phạt, thế nhưng anh không làm nên doanh nghiệp mới dửng dưng như thế và cứ thế nợ. Doanh nghiệp thấy rằng có nợ cũng chẳng ảnh hưởng gì thì họ cứ lợi dụng số tiền đáng ra phải đóng BHXH đó để làm ăn. Trách doanh nghiệp một phần, cũng phải trách cả công tác quản lý nhà nước”, ông Hùng bày tỏ.

Theo báo cáo của LĐLĐ TP Hà Nội, việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH hiện nay còn gặp khó là do các doanh nghiệp cố tình trốn tránh. Một số doanh nghiệp khi biết tổ chức công đoàn thực hiện các thủ tục để khởi kiện đã không hợp tác để cung cấp hồ sơ, trong khi đó hồ sơ khởi kiện của tòa án bắt buộc phải có các loại giấy tờ này.

Thậm chí có doanh nghiệp khi công đoàn phối hợp với cơ quan BHXH tiến hành thanh tra, kiểm tra xác định số nợ, thời gian nợ để hoàn thiện hồ sơ khởi kiện thì ngay sau đó doanh nghiệp lại tiếp tục đóng thêm một ít tiền, như vậy các thủ tục lại phải tiến hành lại từ đầu. Đây là cách doanh nghiệp lách luật để không thể khởi kiện được doanh nghiệp.

Phan Hoạt
.
.
.