Ngư dân vươn khơi bám biển Hoàng Sa, Trường Sa
- Niềm vui của ngư dân ăn Tết trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa
- Trưng bày tàu cá bị đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa
- Tàu cá vỏ thép nô nức xuất quân bám biển Hoàng Sa, Trường Sa
Chào cờ và hát Quốc ca trước giờ vươn khơi, đó là một trong những nghi thức không thể thiếu của các ngư dân trong phiên biển đầu năm. Nó đã trở thành nét đẹp truyền thống, thiêng liêng của người Việt Nam nói chung và mỗi ngư dân ra biển nói riêng.
Vì với những ngư dân đi biển Hoàng Sa, Trường Sa thì nghi thức lễ chào cờ và hát Quốc ca càng tạo thêm động lực và niềm tin để họ vươn khơi bám biển, quyết tâm gìn giữ biển, đảo thiêng liêng mà cha ông đã đổ bao xương máu khai mở, bảo vệ từ bao đời nay.
Sau nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca, các tàu cá ngư dân đồng loạt vươn khơi thẳng tiến biển Hoàng Sa. |
Ngư dân Võ Văn Tư, trú xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) phấn khởi nói: “Biển, đảo Hoàng Sa và Trường Sa là Tổ quốc của Việt Nam chúng ta. Ngư dân chúng tôi chào cờ và hát Quốc ca là muốn gửi đi thông điệp về niềm tin, về kỳ vọng, về lòng quyết tâm bám giữ ngư trường truyền thống của cha ông; khao khát những điều tốt đẹp, mong muốn cho những phiên biển đầu tiên đạt kết quả tốt”.
Theo nghi thức, sau hồi trống lệnh của lãnh đạo các địa phương và vạn chài, tàu cá của ngư dân các làng chài, với đầy đủ ngư cụ, nhiên liệu, giương cao lá cờ đỏ sao vàng, đồng loạt rẽ sóng ra khơi, bắt đầu mùa biển mới.
Riêng Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu có số lượng tàu cá và ngư dân bám biển, bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa thuộc “top đầu” của tỉnh Quảng Ngãi, với 483 tàu cá, 1.700 đoàn viên, vẫn luôn quyết tâm đoàn kết trên biển, nỗ lực giàu lên từ biển trong mùa biển Kỷ Hợi”.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, nhắn nhủ: “Khi ra khơi khai thác hải sản là phải đi theo tổ, theo đội và nhóm để hỗ trợ nhau, đoàn kết với nhau khi gặp thiên tai, bất lợi trên biển. Mong bà con ngư dân có một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, làm ăn phát đạt”.
Cùng với ngư dân huyện Bình Sơn, ngư dân làng chài Đức Lợi, huyện Mộ Đức; ngư dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ… cũng nô nức khởi động mùa biển mới. Trước khi thẳng tiến ra vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa để khai thác hải sản, bà con trang trọng làm lễ cúng “mở biển”, cầu mong thời tiết thuận lợi, tôm cá dồi dào, giá bán tăng cao, mong đầu năm mới có được nhiều “lộc biển”.
“Không chỉ quyết tâm nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt, chúng tôi còn kêu gọi các thuyền viên, các chủ tàu cùng nhau bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản ven bờ, thông qua việc không sử dụng các ngư lưới cụ, phương tiện khai thác kiểu tận diệt”, ông Nguyễn Minh Tư, một trong những chủ tàu tiêu biểu được chọn để xuất phát “mở biển” chia sẻ.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho hay, toàn tỉnh hiện có trên 5.500 chiếc tàu, trong đó có gần 3.000 chiếc tàu có công suất từ 90CV trở lên, hoạt động khai thác hải sản ở các vùng biển xa, chủ yếu là vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa.
Vì vậy, theo thông lệ, từ ngày mùng 3 Tết Nguyên đán đến mùng 10 tháng Giêng trở đi, ngư dân các xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), Đức Lợi (Mộ Đức), Bình Châu (Bình Sơn), Tịnh Kỳ, Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) và nhiều địa phương ven biển trong tỉnh đều tổ chức lễ hội ra quân nghề cá đầu năm…