Ngư dân khốn đốn khi cửa biển bị bồi lấp

Thứ Sáu, 17/08/2018, 08:53
Mấy năm gần đây, vì nhiều lý do cửa biển Nhật Lệ đã bị thu hẹp dần, nhiều con tàu tiền tỷ của ngư dân phải gối bãi, và kinh hoàng hơn hàng chục vụ tai nạn vùi lấp cả tàu thuyền của ngư dân.

Dọc theo bãi biển miền Trung, cửa biển Nhật Lệ, Đồng Hới, Quảng Bình được đánh giá là một trong những của biển thuận lợi nhất về địa hình, địa thế cho tàu thuyền cập bến để khai thác nguồn lợi thủy sản biển, và tránh trú bão. 

Mấy năm gần đây, vì nhiều lý do cửa biển Nhật Lệ đã bị thu hẹp dần, nhiều con tàu tiền tỷ của ngư dân phải gối bãi, và kinh hoàng hơn hàng chục vụ tai nạn vùi lấp cả tàu thuyền của ngư dân. 

Không ít ngư dân sau nhiều ngày lênh đênh đánh cá trên biển lại phải vượt hàng trăm kilômét để tìm chỗ neo đậu tàu, thuyền vừa gây thiệt hại kinh tế, vừa khó khăn cho các ngành liên quan trong việc quản lý tàu cá.

Xót xa nhìn cửa biển

Đứng trên cầu Nhật Lệ, ngư dân Nguyễn Văn Tình ở thành phố Đồng Hới chỉ tay về phía cửa biển Nhật Lệ buồn bã cho biết, hàng ngàn ngư dân với hàng trăm tàu lớn sau khi đánh cá đầy khoang muốn vào bờ ở cảng Nhật Lệ cũng đành chịu. 

Tàu cách cảng cá mấy trăm mét nhưng rồi lại phải quay ra tiếp tục chạy hàng trăm kilômét vô Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế… để neo đậu. Vì không mấy ai dám vượt điểm giao nhau ở cửa sông và cửa biển Nhật Lệ để vào cảng. Có những ngư dân tỉnh khác do không biết cửa biển Nhật Lệ bị cát vùi lấp nên khi cho tàu vào đã mắc cạn và bị sóng biển đánh cho tơi tả rồi nhấn chìm ngay cửa biển. 

Được biết, trước đây, cảng Nhật Lệ là một trong những cảng cá lâu đời nhất miền Trung, nơi tấp nập thuyền bè qua lại neo đậu, bán hàng của hàng ngàn ngư dân trong và ngoài tỉnh Quảng Bình. 

Cảng cá từng có trên 20 nậu cá, mỗi nậu có 30 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó tàu ngoại tỉnh chiếm 2/3. Song mấy năm gần đây, cửa biển bị bồi lấp nên tàu thuyền không ra vào được, tàu ngoại tỉnh giảm hẳn. 

Chúng tôi có mặt ở cửa biển Nhật Lệ khi trời đã ngả về chiều, và chứng kiến nhiều chủ vựa hải sản đứng trên bờ mắt dõi về phía biển tỏ ra lo lắng. 

Anh Hoàng, một chủ vựa thủy hải sản ở xã Bảo Ninh đang đứng chờ mua hàng tàu cập bờ cho biết, trước đây mỗi ngày vựa của anh bán hàng tấn thủy hải sản tươi sống vì tàu vô cảng cá là cho xe đông lạnh ra cân, đóng hàng, nhưng nay vì cửa biển bị bồi lấp nên thỉnh thoảng mới có tàu vào, và chủ yếu là tàu nhỏ, khai thác đánh bắt gần bờ nên nhiều loại thủy hải sản mà khách ưa chuộng không có… 

Ngay cửa biển Nhật Lệ những cồn cát chất chồng mọc lên ngay giữa lòng sông, bóp chặt cửa biển như một cái yết hầu khổng lồ. Cách bờ biển không xa, những con tàu cứ ngấp nghé trông vào nhưng không thể vào chúng tôi thấy thật ái ngại. 

Ngoài yếu tố thiên nhiên, hai bên bờ sông nơi cửa biển những bức tường đá đang được người ta dựng lên để xây kè, đã phần nào làm những doi cát ngày càng được bồi lấp tạo thành lá chắn cát trên mặt sông nối biển. 

Cửa biển Nhật Lệ vốn dĩ là cửa biển sâu, nhưng giờ đây với sự bồi lấp của cát làm nhiều đoạn nhìn thấy đáy, và làm khốn đốn hàng vạn ngư dân lao động nơi đây. 

Anh Trần Văn Việt, một ngư dân ở phường Hải Thành, Đồng Hới nẫu ruột phân bua: Tàu đi trên biển hàng tháng trời, cách xa đất liền cả trăm kilômét thì không sao nhưng về đến cửa biển, sát đất liền lại gặp nạn do cát. Xăng dầu tăng giá đã làm ngư dân khó khăn, giờ đây thêm cửa biển cạn lại làm ngư dân như thêm khốn khó.

Cửa biển Nhật Lệ bị cát vùi lấp như một cái “yết hầu” ngăn cản tàu thuyền của hàng vạn ngư dân.

Cần một giải pháp căn cơ

Với chiều dài bờ biển lên đến 120km, tỉnh Quảng Bình có 5 cửa biển, trong đó cửa biển Nhật Lệ luôn là điểm tìm đến để vào neo đậu của tàu thuyền ngư dân trong và ngoài tỉnh. 

Cảng cá Nhật Lệ nằm gần giữa trung tâm thành phố Đồng Hới, sát cạnh quốc lộ 1A, gần ga tàu hỏa… rất thuận lợi cho các thương lái sử dụng các phương tiện giao thông để vận chuyển thủy hải sản đi các vùng miền, đưa tới các nhà máy chế biến thủy hải sản xuất khẩu. 

Vì vậy, cửa biển Nhật Lệ luôn là sự lựa chọn hàng đầu của hàng vạn ngư dân miền Trung để neo tàu. Song giờ đây, ngư dân có tàu lớn đành xót xa đứng nhìn cửa biển bị bồi lấp, rồi phải chạy tàu đi các tỉnh, thành khác để tìm chỗ neo đậu. 

Phía sau cửa biển Nhật Lệ là xã biển Bảo Ninh, nơi hiện có trên 400 tàu cá. Trong đó, Bảo Ninh có khoảng 300 chiếc tàu có công suất trên 90CV. 

Do cửa biển bị bồi lấp, hẹp luồng lạch nên nhiều tàu cá của xã biển này đành phải phải đi neo đậu nhờ ở các địa phương hoặc tỉnh thành khác. 

Ngư dân Nguyễn Văn Phú, tại xã biển Bảo Ninh cho biết, tình trạng cát bồi lấp tại cửa biển Nhật Lệ đã kéo dài nhiều năm qua và ngày càng nghiêm trọng. 

Ở đây ngày càng xuất nhiện nhiều gò cát chắn ở cửa biển, nếu không để ý là tàu bị mắc cạn ngay. Bây giờ tàu nhỏ và vừa mới dám ra vào chứ tàu lớn đành phải neo ngoài khơi hoặc vào cảng khác nhập cá.

Do cửa biển Nhật Lệ bị cát vùi lấp, ngăn dòng nên việc tàu thuyền của ngư dân không thể vào cảng ở Quảng Bình mà phải vượt sóng hàng trăm kilômét đến các tỉnh khác neo đậu, đã gây rất nhiều khó khăn các cơ quan chức năng ở Quảng Bình trong việc tuần tra, kiểm sát hoạt động đánh bắt theo quy định về kiểm soát các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định do Ủy ban châu Âu đặt ra. 

Trước khó khăn của ngư dân do cửa biển bị bồi lấp, ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình đã giao Sở Giao thông vận tải lên phương án nạo vét, chỉnh trị dòng sông, cửa biển Nhật Lệ theo hướng lâu dài và bền vững, đồng thời UBND tỉnh này cũng đã kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép lấy nguồn kết dư từ việc đền bù sự cố môi trường biển để làm kinh phí nạo vét cửa biển, đảm bảo an toàn cho bà con vươn khơi bám biển. Tuy nhiên mọi phương án khơi thông cửa biển Nhật Lệ vẫn còn nằm trên giấy.

Thiết nghĩ, tỉnh Quảng Bình và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm phối hợp với các bộ, ngành liên quan mời các nhà khoa học vào cuộc tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra được luận chứng khoa học cụ thể để có giải pháp khắc phục hiện tượng cửa biển Nhật Lệ bị ngăn dòng. Bởi cửa biển này không chỉ đơn thuần để phát triển nghề cá mà còn góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ an ninh, quốc phòng.


Dương Sông Lam
.
.
.