Nghị lực của những bà mẹ tha hương: Ước mơ con của nỗi lòng biển rộng (kỳ cuối)

Thứ Năm, 31/12/2015, 09:00
Sống trên đất khách một mình, tủi thân, nhớ con, nhớ chồng, bên chỗ ngủ chỉ đặt được trọn cái lưng, những người mẹ bỏ quê lại bị dằn xé với biết bao suy nghĩ. Nhưng khi sáng ra họ lại tiếp tục gắng gượng lội khắp hang cùng ngõ hẻm để tiếp tục kiếm tiền lo cho cuộc sống của mình, của gia đình.

Hai chân bị tật bẩm sinh, teo cơ, ở quê ruộng đồng không làm được, chị Linh (57 tuổi, quê Phú Yên) khăn gói vào TP Hồ Chí Minh bán vé số. “Bữa tôi lăn xe trên đường Nguyễn Chí Thanh thì một ông khách tấp xe vào lựa vé số. Ông lật tới lật lui cọc vé số hơn 60 tờ của tôi như là đang tìm số rồi bất ngờ rồ ga bỏ chạy. Tôi nhoài người níu được đuôi xe gắn máy của ông ấy thì bị kéo lê trên đường. Vé số bị mất, khắp người trầy xước phải nghỉ bán cả tuần lễ”.

Một người mẹ bị mù lòa mưu sinh trên đường.

Cùng tình cảnh như chị Linh, chị Thảo (49 tuổi, quê quán Bình Định) bị liệt nửa người, bán vé số ở khu Hồ Con Rùa (quận 3).  Chị  Thảo bị đối tượng ranh mãnh dùng vé số thật 100% nhưng có thời hạn cách đó cả tháng đem đến đổi. 

Vì thời gian xổ đã khá lâu, với lại vé chỉ trúng giải 8 (100 ngàn đồng) nên chị Thảo mất cảnh giác không kiểm tra lại ở đại lý và trả thưởng. “Hai thằng tráo giấy dò rồi đổi 15 tờ trúng giải 8, tôi trả chúng 1,5 triệu, chúng còn hào phóng mua lại 20 tờ. Bữa đó mất hết 1,3 triệu, coi như cụt cả vốn lẫn lời” - chị Thảo chép miệng.

Trường hợp của chị Lũy (quê quán Ninh Bình) lại bị ngay người từng đầu ấp tay gối với mình cướp đi mới quả thật là đau. Chị Lũy cùng chồng gửi đứa con gái 12 tuổi ở quê, vào TP Hồ Chí Minh bán vé số, ki cóp tiền bạc gởi về quê cho con gái ăn học. 

Bất ngờ, chị Lũy trúng độc đắc tờ vé số trị giá 1,5 tỷ đồng. Lĩnh tiền xong, chồng chị Lũy bỗng nhiên ôm tiền mất tích, bỏ mặc chị Lũy  giữa xứ lạ. Đau đớn vì nghèo khó có nhau nhưng khi có tiền thì chồng phụ bạc, chị Lũy chỉ biết khóc hận và cố gượng dậy tiếp tục đi bán vé số nuôi con.

Tin Lê Khắc Công (tự Khoa, sinh năm 1985, quê quán Thanh Hóa) và Đỗ Mạnh Hóa bị Công an quận Tân Bình bắt giữ vì hành vi bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, đã khiến hàng chục người buôn bán hàng rong tại khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình thở phào nhẹ  nhõm.

Chị T. (quê Bình Thuận) kể: “Nhiều lần Công kêu Hóa đến đòi tiền nhưng buôn bán ế ẩm không có tiền đóng, tôi khất thì bị chúng đánh đòi đập phá xe bán dừa. Em tôi bị tật nguyền đứng ra can cũng bị chúng đánh không thương tiếc. Căn nhà  hai chị em thuê ở cũng bị nó ném đá bể kính cửa. Dân quê vào thành phố kiếm sống đã khó khăn, nay còn bị chúng đòi bảo kê, mỗi tháng phải “cúng”cho chúng bốn, năm trăm ngàn. Nghe công an Tân Bình bắt chúng, chị em ở đây vui lắm!”.

Nhắc đến chuyện bị ăn quỵt, chị Hoài (quê Thái Bình) bán hủ tíu gõ ở quận 6 nhớ lại bữa đầu mới kéo xe hủ tíu ra bán. Khoảng 0h, một nhóm thanh niên đến xe hủ tíu gõ kêu chị Hoài bưng 10 tô mì gõ vào đường 74, phường 10, quận 6 nên chị kêu chồng ra bê phụ. Khoảng nửa tiếng sau đến địa chỉ trên lấy tô, chị Hoài đau khổ khi không lấy được tiền, mà còn bị đập tan nát 10 cái tô. Kể từ đó, chị Hoài rút kinh nghiệm chỉ bê mì gõ đến với người có nhà cửa đàng hoàng.

Hôm gặp tôi trong quán cà phê ở Hồ Con Rùa (quận 3), chìa xấp vé số trước mặt tôi, chị Nguyễn Thị Dung (48 tuổi, quê Quảng Ngãi) hồ hởi khoe: “Chị mới cất xong nhà chú à, nhưng xa lắm, tận Hóc Môn. Xa nhưng được cái đón tụi nhỏ với ổng vào rồi, khỏi mất công mấy tháng lại phải về quê, tốn tiền lại cực. Có lẽ mua được nhà là niềm mơ ước của nhiều người phụ nữ xa quê, mưu sinh nơi đất khách quê người.

Chị Trần Thị Trúc (47 tuổi, quê ở Bình Định, bán bánh canh ở quận 6) cho hay, dành dụm được vài chục triệu, đánh liều mượn bà con, anh em dòng họ (đa phần đều bán bánh canh như chị) mỗi người vài triệu, chị Trúc cùng chồng mua một miếng đất nhỏ ở xã Tân Kiên, Bình Chánh rồi cất căn nhà đón ba đứa nhỏ và ông bà nội vào ở. “Có nhiều khi dọn hàng xong là 2-3 giờ sáng hai vợ chồng mới mò về nhà, nhưng thấy vui vì không còn cảnh vợ chồng mỗi người mỗi nơi, con thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Vui nhất là thoát cảnh phải ở trọ triền miên”.

Để có được căn nhà rộng chưa đầy 30m² trong một con hẻm nhỏ thuộc huyện Nhà Bè đó là sự nỗ lực không ngừng  của vợ chồng anh chị Nguyễn Thị Cô (41 tuổi, quê quán Quảng Nam).

Cụ Bắc phải đi bán vé số lo cho ba đứa cháu.

Ngày đầu mới chân ướt chân ráo đặt chân đến thành phố, chồng chị Cô đi xin làm phụ hồ, còn chị Cô ở phòng trọ đồ xôi đem ra đầu đường bán. Tiền kiếm được chia ra nhiều phần: phần gửi về quê cho con ăn học, phần dành cho hai vợ chồng, phần còn lại chị bỏ ống heo để dành. Kham khổ tiết kiệm mãi số tiền dành dụm cũng được gần 200 triệu đồng. Hồi chị mới mua đất, xung quanh chỉ là sình lầy, lau sậy, dân chưa có nhiều người đến đây cất nhà. Ngày anh đi phụ hồ, chị quẩy gánh xôi đi bán. Chiều về ăn vội bữa cơm, hai vợ chồng hì hục be bờ, đắp nền rồi dựng tạm căn nhà vách tôn. Khi căn nhà hình thành, anh chị về quê đón hai đứa con vào xin cho học ngay trường huyện.

Dân tìm đến đây mua đất mỗi lúc mỗi nhiều, con hẻm nhà chị trở nên xôm tụ hơn. Chồng chị Cô nghỉ hẳn việc phụ hồ, mua chiếc xe gắn máy chạy xe ôm, còn chị vẫn trung thành với gánh xôi bán dạo. “Nhờ gánh xôi bán rong mỗi sáng mà giờ này hai vợ chồng mới trụ được ở đất Sài Gòn. Tết đến dù khổ thế nào tôi với tụi nhỏ cũng ráng thu xếp về thăm quê, cúng hương hỏa ông bà! Mình không thể mất gốc được chú ạ!”.

Để có được căn nhà giữa thành phố xa hoa đắt đỏ này như chị Dung, chị Trúc, chị Cô... thì không phải ai cũng làm được. Sống trên đất khách một mình, tủi thân, nhớ con, nhớ chồng, bên chỗ ngủ chỉ đặt được trọn cái lưng những người mẹ bỏ quê lại bị dằn xé với biết bao suy nghĩ. Nhưng khi sáng ra họ lại tiếp tục gắng gượng lội khắp hang cùng ngõ hẻm để tiếp tục kiếm tiền lo cho cuộc sống của mình, của gia đình.

Tôi đã từng ngạc nhiên, trong những cuộc chuyện trò, các mẹ, các chị thường hay chen ngang một câu: “Bữa nay mùng mấy, hăm mấy rồi chú?...”. Ngày nào cũng dậy sớm, thức khuya, ngày nào cũng gánh hàng nặng trĩu, thật tình ban đầu tôi không hiểu họ hỏi ngày tháng làm gì. Lâu dần thành quen, tôi biết, tôi hiểu và tôi cay mắt. Họ hỏi vì nỗi nhớ. Hỏi vì đau đáu trong những mảnh đời vất vả, lam lũ ấy vẫn là hai tiếng quê nhà.

Vũ Minh Đức
.
.
.