Ngày đầu triển khai xử phạt không đeo găng tay khi bán thức ăn chín
- Khó xử phạt thức ăn đường phố “bẩn”
- Nắng nóng, mất an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố
- Thức ăn đường phố và nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Ngày 20-10 là ngày Nghị định 115/2018 của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực thi hành. Đây là Nghị định thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP theo hướng tăng mức phạt với hành vi vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố. Theo đó, nếu vi phạm qui định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố, như: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo qui định của pháp luật; thức ăn không được che đậy, ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập sẽ bị phạt từ 500.000đ đến 1.000.000đ. Người bán hàng không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ăn ngay cũng bị xử phạt với mức phạt nêu trên.
Thực phẩm không che đây và không sử dụng găng tay khi bán hàng chín là phổ biến tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. |
Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo qui định của pháp luật; Người đang mắc các bệnh mà theo qui định không được trực tiếp tham gia kinh doanh ăn uống, thực phẩm; Sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp; Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh… đều bị xử phạt từ 1.000.000đ đến 3.000.000đ.
Nghị định 115/2018 cũng qui định rõ các lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm qui định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố, gồm: Chủ tịch UBND các cấp; Công an nhân dân; cơ quan Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực về an toàn thực phẩm thuộc các ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Quản lý thị trường.
Ghi nhận trong ngày đầu Nghị định có hiệu lực thi hành, có thể rơi vào ngày thứ bảy nên chưa thấy sự ra quân rầm rộ của các lực lượng chức năng. Một số chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm chín và thức ăn đường phố chưa biết nội dung Nghị định 115/2018 của Chính phủ. Có một số cơ sở còn đối phó, như: Người bán hàng chỉ đeo găng tay ở một tay, còn tay kia không đeo vì cho rằng vướng víu khi thao tác. Mục đích của việc đeo găng tay là tránh nhiễm bẩn cho thức ăn; nhưng một số chủ kinh doanh đeo găng tay tiếp xúc với các đồ bẩn, sau đó lại tiếp tục sử dụng găng tay đó để bán hàng cho khách.
Một số cơ sở bán bánh mỳ, bán thịt xiên nướng, xôi… còn sử dụng giấy báo, giấy in photocopy một mặt để bao gói thức ăn cho khách. Bản thân họ cũng không biết những tờ giấy một mặt đó có nhiều chất độc hại chứa trong mực in sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng…
Khi được hỏi, một số khách hàng, nhất là những bạn trẻ là thực khách tại các quán ăn vặt đường phố tỏ vẻ thờ ơ với Nghị định 115/2018, nhiều người cho rằng đó là những qui định nhiêu khê và không khả thi! Có lẽ, vì họ đã quá quen với cách bán hàng mất vệ sinh của những cơ sở kinh doanh đường phố.
Nghị định 115/2018 của Chính phủ ban hành là để bảo vệ sức khỏe cho người dân và rất cần sự chung tay, giám sát của người dân trong thực thi.
Chúng tôi được biết, thực khách khi ăn uống, nếu phát hiện chủ cơ sở có hành vi mất an toàn có thể sử dụng thiết bị ghi hình lại làm bằng chứng cho cơ quan chức năng xử lý. Việc ghi hình cũng sẽ được lực lượng kiểm tra thực hiện làm căn cứ khi xử phạt các vi phạm theo Nghị định 115/2018.
Chúng tôi đề nghị người dân hãy cùng lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm; và tẩy chay những cơ sở nào không đảm bảo vệ sinh, vì sức khỏe của chính bản thân mình và cộng đồng.