Khó xử phạt thức ăn đường phố “bẩn”

Thứ Bảy, 06/10/2018, 06:46
Từ ngày 20-10, những quy định về xử phạt vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực thi hành. Trong đó, hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thức ăn hay thức ăn không được che đậy ngăn bụi bẩn… có thể bị xử phạt tiền triệu.


Dư luận đồng tình bởi việc tăng mức xử phạt sẽ tăng tính răn đe. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu có thể xử phạt được không?

Nhan nhản thức ăn đường phố “bẩn”

Thức ăn đường phố được biết đến như là một trong những đặc sản về ẩm thực của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của thức ăn đường phố vẫn còn nhiều điều đáng phải bàn. Theo thông tin từ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thì rất nhiều ca ngộ độc thực phẩm bắt nguồn từ thức ăn đường phố.

Đi dọc các con đường, ngõ ngách của Thủ đô Hà Nội, đâu đâu cũng có thể bắt gặp quán xá, quầy hàng thức ăn đường phố không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Những buổi trưa nắng nóng, ngay tại các tuyến phố như Quán Sứ, Triệu Quốc Đạt, Phủ Doãn khu vực trước cổng Bệnh viện K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, nhiều quán cơm di động mọc ngay trên vỉa hè để phục vụ người nhà bệnh nhân.

Thức ăn được đựng trong những chiếc hộp nhựa cáu bẩn kê tạm bợ trên các viên gạch dưới dất, sát đường mà không hề được che đậy. Nào thịt kho tàu, rau muống luộc, trứng rán… Người bán hàng thi thoảng lại dùng chiếc quạt phe phẩy đuổi đám ruồi đang đua nhau đậu vào thức ăn.

Chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy sự mất vệ sinh từ những quán cơm bụi di động này. Tuy nhiên, do tiện dụng, giá cả rẻ nên những quán cơm bụi di động vỉa hè thế này vẫn rất đông người ăn.

Từ ngày 20-10, thức ăn đường phố không được che đậy sẽ bị xử phạt lên đến 1 triệu đồng.

Tại phố Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, cứ từ khoảng 17h hằng ngày, những quán phở, bún, miến lại bám lấy vỉa hè làm nơi kinh doanh. Không cần tủ kính hay các vật dụng che đậy toàn bộ thức ăn được chủ quầy bày lộ thiên lên đĩa. Chủ quán không sử dụng găng tay mà dùng tay trần loang loáng mỡ bốc bánh phở, thịt cho vào bát. Sau đó lại thản nhiên sử dụng chính đôi tay ấy để đếm tiền, dọn dẹp, lau chùi…

Tại phố Định Công, quận Hoàng Mai, ngay cạnh mặt đường bụi bặm nhiều phương tiện giao thông qua lại là những quầy hàng kinh doanh thịt gà, vịt chín. Tuy nhiên, chủ quầy thường để thực phẩm trong những chiếc rổ xếp ngay cạnh mặt đường.

Khi hỏi lý do vì sao lại không để vào tủ kính cho hợp vệ sinh thì một chủ quầy giải thích: “Mỗi ngày bán lời lãi chẳng được bao nhiêu nên cũng không có kinh phí đầu tư mua tủ kính. Vả lại, người mua cũng thích để lộ thiên bốc khói như thế này hơn. Để trong tủ kính không bắt mắt”. 

Chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 26.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong đó có hơn 5.210 cơ sở thức ăn đường phố. Thức ăn đường phố “bẩn” tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thức phẩm tuy nhiên vẫn có “đất sống”.

Nguyên nhân do một số chính quyền địa phương chưa quan tâm thường xuyên, nể nang trong quản lý, xử phạt vi phạm chưa nghiêm. Ý thức thực hành vệ sinh của người chế biến còn hạn chế, ý thức một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

 Theo ông Vũ Tiến Hưng, Chủ tịch UBND phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội thì thức ăn đường phố đáp ứng nhu cầu của nhiều bộ phận người dân. Từ trước đến nay, UBND phường giao nhiệm vụ quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thức ăn đường phố cho cán bộ thuộc Trạm Y tế phường.

Theo đó, thành lập tổ kiểm tra liên ngành và các tổ giám sát an toàn thực phẩm thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, giám sát, tư vấn, hướng dẫn các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Nếu phát hiện các trường hợp không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ kiểm tra liên ngành sẽ nhắc nhở để họ tự khắc phục.

Nói về việc xử phạt vi phạm các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, ông Hưng cho rằng, việc xử phạt những hành vi này không hề dễ dàng. Bởi lẽ, giá trị hàng hóa của những quầy hàng này không lớn nên khi bị xử phạt chủ kinh doanh thường “nại” lý do khó khăn về kinh tế.

Tổ kiểm tra liên ngành cũng hay có tâm lý nể nang. Chưa nói đến việc người kinh doanh có tư tưởng đối phó, đến kiểm tra thì họ thực hiện nghiêm nhưng lực lượng chức năng rời đi là họ lại vi phạm. Lực lượng chuyên trách vệ sinh an toàn thực phẩm của phường còn mỏng.

Năm 2013, thành phố đã thí điểm mô hình quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với kinh doanh ăn uống, thức ăn đường phố tại tuyến phố Trung Liệt, Đống Đa và tuyến phố Núi Trúc, quận Ba Đình. Cán bộ chuyên môn, chủ các cơ sở kinh doanh, người tham gia chế biến thực phẩm được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm thức ăn đường phố. Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên toàn phường được phát găng tay sử dụng một lần, cấp tủ kính cất giữ thức ăn với các hộ gặp khó khăn…

Theo ông Vũ Tiến Hưng, để chấn chỉnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, về lâu dài, thành phố nên mở rộng thí điểm các mô hình kinh doanh thức ăn đường phố “sạch” như có biện pháp hỗ trợ, trợ giá cho người kinh doanh thức ăn đường phố sắm sửa các trang thiết bị… Đồng thời tuyên truyền để người kinh doanh cũng như người tiêu dùng tự nâng cao ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điều 16. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; b) Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; c) Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; b) Người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố; c) Sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn; d) Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống.

(Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm)
Mai Hương
.
.
.