Ngập nặng do thiếu đồng bộ trong đầu tư hạ tầng chống ngập

Thứ Hai, 12/09/2016, 09:39
Để chống ngập nước do mưa, do triều cường, TP Hồ Chí Minh đã chi không ít tiền của, song tình trạng ngập lụt vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2011 đến 2014 trên địa bàn đã có đến 2.515km cống các loại được tiến hành nạo vét; có hơn 2,5km cống các loại được thay thế mới do có nguy cơ lún sụt; sửa chữa 15.939 hầm ga, mở rộng 10.958 miệng thu nước; thay thế 14.351 nắp hầm ga bằng sắt để tăng cường thoát nước; đưa vào vận hành của 41 trạm bơm với 43 máy bơm công suất lớn cố định, di động và 4 trạm kiểm soát triều để đảm bảo chống ngập cho khu vực trung tâm thành phố.

Trong khoảng thời gian này, cũng đã có 370 hạng mục công trình cấp bách được triển khai để góp phần xóa, giảm các điểm ngập hiện hữu.

Hoàn thành đưa vào vận hành 73 dự án cải tạo, phát triển hệ thống thoát nước với tổng chiều dài 224km. Đặc biệt, chỉ với việc hoàn thành đưa vào vận hành 4 dự án ODA lớn là Dự án cải thiện môi trường nước; Dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Dự án nâng cấp đô thị; tuyến Đại lộ Võ Văn Kiệt đã có thể bổ sung tới 175km cống vào hệ thống thoát nước chung của thành phố. Sang đến năm 2015 và từ đầu năm đến nay, nhiều hạng mục chống ngập tiếp tục được đồng loạt đầu tư triển khai.

Như vậy có thể thấy, để chống ngập nước do mưa, do triều cường, TP Hồ Chí Minh đã chi không ít tiền của, song tình trạng ngập lụt vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng.

PGS.TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu đã cho rằng, khi hạ thấp mực nước trên kênh Tàu Hũ xuống 1m, hiệu quả thoát nước cho khu vực có thể tăng lên 40-60%. Nhưng hệ thống cống thoát nước hiện tại có tiết diện quá nhỏ, cần phải tăng 3 - 5 lần mới có thể đáp ứng.

Cảnh nhân viên thoát nước đô thị bất lực đứng nhìn nước mưa gây ngập nặng một tuyến đường.

Thực tế cho thấy, trong quy hoạch tổng thể về vấn đề thoát nước cho TP Hồ Chí Minh với tầm nhìn đến năm 2020, thì tần suất thiết kế hệ thống thoát nước đối với tuyến cống cấp 1 là chỉ chịu tải được cường độ mưa với vũ lượng vào khoảng 85mm kéo dài trong vòng 3 giờ; cống nhỏ là đạt gần 76mm trong 3 giờ.

Theo TS Bùi Quốc Nghĩa, nguyên Trưởng phòng Thủy hải văn công trình - Phân viện Vật lý tại TP Hồ Chí Minh, để nước mưa có chỗ thoát, cần giải quyết 2 khâu cơ bản là hệ thống cống thoát và nơi chứa nước mưa. Lâu nay các dự án thoát nước của thành phố mới chỉ tập trung vào hệ thống cống dẫn nước và chủ yếu sử dụng giải pháp thoát nước bằng cách tự chảy từ chỗ cao về chỗ thấp. 

Hệ thống chứa nước mưa trong thời gian thủy triều lên cao chưa được quan tâm đúng mức mà nếu không có hệ thống này, thì dù có cống thoát nước tốt, nước vẫn không có chỗ chảy nên sẽ gây ngập.

TS Bùi Quốc Nghĩa còn cho rằng, chống ngập nước ở thành phố vẫn chủ yếu dùng các giải pháp thụ động như chấp nhận đối phó với thủy triều trên diện rộng bằng cách lắp đặt quá nhiều van ngăn triều tự động; chấp nhận tôn cao nền đường, nền nhà, nền công trình làm cho nước chảy tự do không kiểm soát được; sử dụng biện pháp thoát nước cưỡng bức là xây trạm bơm công suất quá lớn…   

Góp ý về quy hoạch thủy lợi phục vụ tìm kiếm các giải pháp chống ngập cho TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Văn Điềm, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cũng đã nhìn nhận, TP Hồ Chí Minh có địa hình phức tạp, từ cao trình 9-10 đến cao trình dưới 1. Do phát triển thành phố qua nhiều giai đoạn, hệ thống cống thoát nước vùng 1 đã bị sai lệch về công năng.

Một tuyến cống cấp 2 có thể thu, vận chuyển nước dọc theo khu vực diện tích có địa hình từ 6 đến dưới 1, kết quả là chuyển nước vùng cao gây ngập cho vùng thấp khi cửa xả có nước triều lên cao. Mặt khác, tuyến cống trong vùng có cao trình mặt đất tương đương 2 được thiết kế để chảy tự nhiên theo trọng lực là không hợp lý. Vì như vậy dòng thoát nước mưa sẽ ngược với dòng nước thủy triều khi mưa lớn kết hợp với triều cường.

Cũng do hệ thống cống được đặt sâu hơn mặt đường trên 1m, thậm chí có tuyến cống 1.000mm còn được đặt sâu hơn vỉa hè đến trên 3m kể từ đáy cống nên luôn khiến trong cống đầy nước, làm cho nước mưa chảy chậm. 

Đến nay để ứng phó với ngập nước do triều cường, TP Hồ Chí Minh đã cho lắp cả ngàn van ngăn triều. Song hệ thống van ngăn triều này đã tác dụng ngược khi nước mưa không thể thoát nhanh ra sông rạch khi triều rút trong các trận mưa kết hợp với triều cường. 

Để hoàn thành các hệ thống thoát nước, cống ngăn triều chống ngập, TP Hồ Chí Minh còn cần đến 9 tỷ USD. Do kinh phí hạn chế nên trước mắt chỉ tập trung xây đê bao tại các điểm xung yếu.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, mưa lớn, triều cường xảy ra thường xuyên, nguy cơ ngập úng tăng cao, Chính phủ đã đồng ý bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn Quỹ sắp xếp và hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 để thực hiện các dự án chống ngập cấp bách thuộc quy hoạch thoát nước và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho thành phố.

Nhưng nói như PGS.TS Nguyễn Văn Điềm, thì vấn đề thoát nước và chống ngập cho TP Hồ Chí Minh là rất phức tạp vì đã hơn 30 năm nay thành phố phải đối mặt với chuyện ngập nước trong mùa mưa, triều cường. Đến thời điểm này, ngập nước vẫn là một thách thức với thành phố. Do đó, cần đầu tư hạ tầng đồng bộ, tránh kiểu chắp vá, thụ động như thời gian qua.

Đ.Thắng
.
.
.