Nên đưa việc cấm sử dụng túi nylon vào luật
- Big C sử dụng túi tự hủy thay thế túi ni-lông
- DN tung "chiêu” tránh thuế túi ni lông
- Túi ni lông sẽ phải chịu thuế bảo vệ môi trường cao nhất
Hình ảnh rừng cây phòng hộ ngập trong túi nilon tại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa được báo chí đăng tải những ngày qua khiến nhiều người không khỏi giật mình bởi thói quen sử dụng túi nylon của người dân. Tác hại của túi nylon với sức khỏe con người và môi trường đã rõ. Theo các nhà khoa học, Chính phủ nên đưa việc cấm sử dụng túi nylon vào luật mới có thể thay đổi thói quen sử dụng của người dân.
Thói quen khó thay đổi
Đựng hàng hóa, thực phẩm hay đựng bất kỳ thứ gì, giá lại rẻ - đó là những tiện dụng mà túi nylon mang lại trong cuộc sống hằng ngày. Việc vứt bỏ túi nylon cũng rất đơn giản, chỉ chưa mất đến một giây. Tuy nhiên, để những túi nylon này phân hủy được lại phải cần thời gian lên đến hàng trăm năm, thậm chí cả hàng nghìn năm.
Rừng phòng hộ tại huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa ngập trong rác thải túi nylon. |
Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, từng có nhiều chiến dịch, chương trình hạn chế sử dụng túi nylon. Có thể kể đến chương trình “Hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường” tại Hà Nội nhằm thay thế túi nylon bằng túi thân thiện với môi trường.
Trong đó, tập trung tuyên truyền trực tiếp đến các học sinh tiểu học, sinh viên tại các trường học trên địa bàn Hà Nội như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Giao thông Vận tải, Đai học Ngoại thương, Tiểu học Nam Thành Công, Tiểu học Hoàng Diệu... Các học sinh, sinh viên sẽ được phát miễn phí 10.000 túi vải bằng sợi tổng hợp thân thiện với môi trường.
Chương trình cũng đẩy mạnh vận động phụ nữ Thủ đô sử dụng túi thân thiện với môi trường, gấp túi giấy thay túi nylon, đối giấy vụn lấy túi thân thiện với môi trường… TP Hồ Chí Minh triển khai chương trình “Giảm sử dụng túi nylon trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” với 6 nhóm công việc trọng tâm…
Đặc biệt, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm đến 65% khối lượng túi nylon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nylon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom, tái chế 50% khối lượng chất thải túi nylon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt. Tăng cường sản xuất và sử dụng sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường thay thế túi nylon khó phân hủy.
Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức và đặc biệt là thói quen sử dụng túi nylon của người dân là một điều không dễ dàng thậm chí là rất khó khăn. Ở bất cứ đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh của những chiếc túi nylon. Và, hình ảnh 5km rừng phòng hộ tại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngập trong túi nylon là minh chứng rõ nét nhất về việc túi nylon vẫn được người dân sử dụng một cách tràn lan. Túi nylon được sử dụng tràn lan là do giá thành rẻ và tiện lợi. Nhưng hậu quả về ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người thì không giá nào mua được.
Đưa vào luật
Theo GS Trần Vĩnh Diệu, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu polyme, Đại học Bách khoa (Hà Nội) thì thuật ngữ “túi nylon” đang được người dân sử dụng là không chính xác. Tên chính xác của loại hợp chất này phải là túi PE (polyetylen). GS Trần Vĩnh Diệu phân tích, túi nhựa có 3 cấp độ phân hủy.
Cấp độ thứ nhất là không phân hủy tức là dưới tác dụng của khí hậu, thời gian những mảnh nhựa vẫn còn lẫn trong đất. Cấp độ thứ 2 là có khả năng phân hủy dưới tác động của khí hậu, ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, loại nhựa này cũng chỉ phân dã cho đến thành các mẩu nhỏ như hạt đậu xanh, hạt kê. Cấp độ thứ 3 là phân hủy hoàn toàn thành nước và CO2. Những loại vật dụng được làm từ chất dẻo trong đó có PE hầu như không phân hủy.
Theo GS Trần Vĩnh Diệu, xu hướng chung trên thế giới là nghiên cứu ra loại túi phân hủy sinh học. Ở Việt Nam đã có những công trình nghiên cứu bỏ dùng túi PE mà thay thế bằng túi được làm từ các chất phân hủy được tức là phân hủy ở cấp độ 3. Trong đó có thể kể đến công trình đi theo hướng sử dụng công nghệ lên men. Tuy nhiên, vấn đề thách thức đặt ra chính là giá thành của sản phẩm. Giá của sản phẩm túi phân hủy được đắt gấp nhiều lần so với giá của những túi PE hiện nay.
Tác hại của túi PE đối với môi trường và sức khỏe con người đã thấy rõ. Túi PE không phân hủy sẽ trở thành bãi rác khổng lồ, ngăn dòng chảy trong nông nghiệp, ngăn độ thẩm thấu của nước… Đối với con người, túi PE có màu trong suốt hoặc đục mờ không độc hại. Tuy nhiên, các loại túi PE có màu như xanh, hồng, vàng… người tiêu dùng không nên sử dụng. Bởi lẽ, chất tạo màu túi PE không có nguồn gốc rõ ràng. Và, phẩm màu đó có thể gây độc hại khi đựng thực phẩm.
Ở nhiều nước trên thế giới đã áp dụng việc cấm sử dụng túi PE rộng rãi. Theo GS Trần Vĩnh Diệu, để giải quyết triệt để “bài toán” túi PE đang được sử dụng tràn lan ở nước ta như hiện nay thì Chính phủ nên đưa việc cấm sử dụng vào luật đồng thời có chính sách trợ giá cho việc sản xuất túi phân hủy được.
Đối với “rừng” túi nylon tại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa mà báo chí phản ánh, theo GS Trần Vĩnh Diệu, cách xử lý tốt nhất là thu gom và đốt. Ngay ở Nhật Bản, việc đốt rác thải là túi PE vẫn diễn ra vì khí thải ở mức chấp nhận được. |