Nên đưa quy định thưởng Tết vào luật

Chủ Nhật, 28/10/2018, 08:46
Tiền thưởng Tết không phải là loại tiền bắt buộc mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động. Thưởng Tết phụ thuộc vào khả năng của doanh nghiệp hoặc được đưa vào thỏa ước lao động tập thể. 

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến đóng góp về dự án sửa đổi Luật Lao động năm 2012. Một trong những quy định đang được lấy ý kiến là đưa quy định tiền thưởng Tết vào Luật Lao động sửa đổi lần này. Vấn đề này đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Không ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp không đồng tình.

Còn các chuyên gia về lao động đều cho rằng nên đưa quy định này vào luật, tuy nhiên đi cùng với đó phải có các biện pháp kỹ thuật để hài hòa với thực tế.

Dở khóc, dở cười vì chưa có quy định     

 Theo con số của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua giám sát thực tế đã có khoảng 90% số doanh nghiệp có thưởng Tết cho người lao động. Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, Bộ luật Lao động đã có quy định về tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

“Qua việc theo dõi hằng năm, có trên 90% doanh nghiệp có thưởng Tết. Vấn đề ở đây tiền thưởng cho người lao động nhiều hay ít, trừ một số trường hợp doanh nghiệp cực kỳ khó khăn là bất khả kháng, không có thưởng Tết”, ông Quảng thông tin.

Tuy vậy, cứ đến dịp giáp Tết luôn tràn ngập thông tin về chuyện thưởng Tết, mức thưởng có sự chênh lệch khá lớn, điều này gây tâm lý “ngậm ngùi” cho những người được nhận thưởng Tết một cách “khiêm tốn” hoặc thưởng cho có. Ông Lê Đình Quảng chia sẻ, tiền thưởng Tết không phải là loại tiền bắt buộc mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động. Thưởng Tết phụ thuộc vào khả năng của doanh nghiệp hoặc được đưa vào thỏa ước lao động tập thể. Chính vì chế độ thưởng Tết hiện chưa được luật hóa cho nên việc thưởng hay không, nhiều hay ít đều phụ thuộc vào lòng hảo tâm của doanh nghiệp, hoặc dựa chủ yếu vào thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết.

Tiền thưởng Tết là yếu tố quan trọng để tạo ra mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp.

Hàng năm, cứ tới dịp Tết Nguyên đán, Bộ LĐ- TB&XH đều yêu cầu Sở LĐ- TBXH các địa phương tập hợp con số doanh nghiệp thưởng Tết và mức thưởng để báo cáo Bộ. Theo con số của Bộ LĐ-TB&XH, mức thưởng năm Tết 2018 thấp nhất chỉ là 20.000 đồng/người thuộc về một doanh nghiệp dân doanh ở tỉnh Vĩnh Phúc. Thế nhưng ở chiều ngược lại, tại TP Hồ Chí Minh, số tiền thưởng cao nhất thuộc một ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài lên tới 1,5 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp nói rằng, vì khó khăn đã thưởng Tết cho người lao động bằng chính sản phẩm công ty sản xuất… gây nên thực tế dở cười dở khóc.

 Ông Lê Đình Quảng chia sẻ, sau một năm làm việc vất vả, tâm lý người lao động nào cũng mong ngóng được một khoản thưởng Tết để có thêm chi phí trang trải cho gia đình. Việc thưởng Tết vừa hỗ trợ phần nào chi phí cho người lao động, đồng thời cũng là phần thưởng, là nguồn động viên khích lệ người lao động sau một năm nỗ lực lao động miệt mài.

“Vì vậy, thưởng Tết là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần tạo mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp. Với lý do đó, người lao động luôn hy vọng rằng thưởng Tết sẽ sớm được đưa vào luật để họ có thể yên tâm và cống hiến hết mình khi làm việc tại bất kỳ doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị nào”, ông Quảng nói.

Cần có các biện pháp kỹ thuật đi kèm

Theo TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, chế độ thưởng Tết nên thành các văn bản cụ thể của ngành, của doanh nghiệp. Ông Thọ ủng hộ việc cân nhắc đưa quy định thưởng Tết vào trong luật, tuy nhiên luật thì chỉ quy định vĩ mô. Còn những quy định chi tiết nên dành cho các thông tư, chỉ thị, thậm chí là các cam kết của bên sử dụng lao động và người lao động vào những dịp đầu năm và cuối năm.

“Tôi lấy ví dụ như năm nay, khoản thưởng là 5 đồng nhưng sang năm không được như thế thì ta lại viết lại luật lao động sao được. Do đó, tôi cho rằng nên đưa vào luật nhưng chỉ nói chung chung, còn các văn bản nhỏ hơn, cụ thể là văn bản dưới luật sẽ quy định cụ thể, chi tiết những điều khoản để thực thi, thậm chí trong từng ngành, từng doanh nghiệp. Như thế để linh hoạt. Cụ thể chi tiết quá trong luật thì có cái không thực hiện được”, ông Thọ phân tích.

Cũng cùng quan điểm nên đưa vào luật quy định thưởng Tết, nhưng TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội đưa ra các giải pháp khác về mặt kỹ thuật. TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng Tết đối với người Việt có nhiều ý nghĩa. Thời gian Tết bao giờ cũng là thời điểm nhu cầu người lao động cần nhiều hơn sau một năm làm việc. Thế nhưng người lao động hiện nay đa số không có khả năng tích lũy, trong khi đó chi phí trong những ngày đó đội lên rất nhiều. Đứng về mặt quan hệ lao động thì đây cũng là giải pháp để thúc đẩy quan hệ lao động. Bên cạnh đó, đây cũng là giải pháp để các doanh nghiệp tổ chức, chăm lo cho người lao động tốt hơn. Hiệu ứng về mặt tinh thần là rất lớn nhưng hiệu ứng về mặt kỹ thuật cũng không ảnh hưởng lắm.

“Có thể quy định theo hướng tùy chọn. Luật quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người lao động, còn trách nhiệm thế nào thì dựa vào thỏa ước lao động tập thể. Luật hiện nay phải thêm một khái niệm nữa đó là tiền lương năm. Tiền lương năm của người lao động gồm 12 tháng lương cộng với một số tháng tiền phúc lợi chẳng hạn. Vì tiền lương được luật hóa nhưng tiền thưởng không được luật hóa, TS Nguyễn Thị Lan Hương đưa giải pháp.

Tuy vậy, TS Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho rằng, nhà nước phải có biện pháp khuyến khích doanh nghiệp. Chẳng hạn, tiền thưởng Tết lâu nay đang trích từ quỹ lợi nhuận của doanh nghiệp. “Quỹ lợi nhuận thì lại sau thuế. Nếu đưa cái phần tiền thưởng đó sẽ đưa vào phần tính thuế thì doanh nghiệp sẽ đỡ bị thiệt một phần. Có nghĩa là chúng ta sẽ có các giải pháp về mặt tài chính để khuyến khích doanh nghiệp”, bà Hương nói.

Phan Hoạt
.
.
.