Mưa dầm, lúa đổ, nông dân thiệt đủ đường

Thứ Năm, 09/06/2016, 08:34
Khoảng 2 tuần qua, những cơn mưa lớn, mưa dầm kéo dài khiến nhiều diện tích lúa tại ĐBSCL bị ngã đổ. Năng suất ảnh hưởng, chi phí thu hoạch tăng và có nhiều thương lái “bẻ kèo” mua lúa nông dân khiến giá thành giảm mạnh.


Nông dân các huyện Hồng Ngự, Lai Vung và Lấp Vò (Đồng Tháp) đang vào mùa thu hoạch, nhưng hàng trăm hecta lúa ngã đổ do mưa kéo dài, giảm năng suất. Ngoài ra, nông dân phải chịu thêm giá thuê máy cắt tăng từ 20-50%. 

Bà Nguyễn Thị Chăm (ngụ xã Hòa Long, huyện Lai Vung) cho biết, thời tiết thuận lợi có thể thu hoạch 800-900kg lúa/công (sào). Hiện tại, diện tích lúa của gia đình ngã đổ hơn 40% nên năng suất giảm nghiêm trọng.

Ông Ôn Thanh Ngân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) cho biết: “Mưa dầm trong thời gian vừa qua làm nhiều diện tích lúa tại các xã Hoà Bình, Xuân Hiệp, Thới Hoà bị ngã đổ. Theo thời vụ thì cuối tháng này sẽ thu hoạch nhưng do ảnh hưởng thời tiết, chắc chắn năng suất lúa sẽ giảm. Huyện cũng đang thống kê thiệt hại của nông dân”.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, diện tích gieo sạ vụ hè thu 2016 gần 78.000ha. Diện tích thu hoạch đến nay trên 19.000ha, tổng diện tích đổ ngã trên 6.500ha (diện tích ngã dưới 30% là 4.100ha, còn lại từ 30-70%).

Ông Phan Văn Năm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) thông tin: “Toàn huyện gieo sạ vụ hè thu hơn 24.900ha, hiện tiến độ thu hoạch rất chậm chỉ hơn 4.000ha do mưa dầm. Diện tích lúa đổ ngã khoảng 80% tổng diện tích thu hoạch, năng suất giảm khoảng 500kg/ha, giá lúa cũng giảm”.

Mưa dầm, lúa bị ngã đổ hàng loạt khiến nông dân ĐBSCL thất thu.

Nhiều nông dân tại Hậu Giang chưa kịp vui mừng vì năng suất lúa hè thu năm nay tăng khoảng 200kg so với năm ngoái thì những cơn mưa đầu mùa ập đến làm hàng loạt diện tích bị ngã, giảm năng suất và chất lượng lúa.

Ông Trịnh Tấn Sỹ (ngụ ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) đang điêu đứng khi toàn bộ diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch thì giông lốc, mưa lớn làm lúa ngã 100%. 

“Mấy bữa mưa, tôi phải thức trắng đêm canh để bơm nước từ ruộng ra rồi kêu máy gặt đập vô gặt, ước tính hao hụt khoảng 300kg/công”, ông Sỹ than.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết: “Thương lái đặt cọc trước 4.500-4.600 đồng/kg đối với giống IR 50404 thì nay họ yêu cầu nông dân giảm giá xuống còn khoảng 4.200-4.300 đồng/kg với lý do mưa, chất lượng lúa thấp. Đối với lúa không đặt cọc nhưng bị đổ ngã thì thương lái mua với giá 3.800-4.000 đồng/kg; các giống OM khác từ 4.200-4.400 đồng/kg, trung bình các giống đều giảm 200-300 đồng/kg”.

Anh Đặng Văn Hiệp (ngụ xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh) than: “Đầu vụ hè thu, thương lái đến đặt cọc mua toàn bộ 1ha lúa OM 5451 do gia đình tôi trồng với giá 5.000 đồng/kg. Thời gian mưa lớn, lúa bị ngã hơn 50% diện tích thì thương lái bảo không mua nữa do họ nói lúa bị ngã chất lượng thấp. Người khác đến hỏi mua với giá 4.100 đồng/kg, tôi đành chấp nhận bán vì không bán thì không có nơi phơi lúa vì thời tiết mưa dầm”.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo lý giải, giá lúa giảm mạnh như hiện nay do mưa dầm khiến độ ẩm lúa thu hoạch tăng và chất lượng gạo xấu, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Trước khi mưa, lúa tươi có độ ẩm chừng 21-22%, còn lúa tươi trên đồng hiện nay (sau khi có mưa) độ ẩm khoảng trên 30% (chênh lệch 10%, tương đương hơn 500 đồng/kg). Vì vậy, trước đây giá lúa 4.700-4.800 đồng/kg thì nay chỉ còn hơn 4.000 đồng/kg.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích xuống giống vụ lúa đông xuân 2015-2016 ở ĐBSCL đạt trên 1,5 triệu ha, tăng khoảng 10.000ha so với vụ đông xuân năm trước đó, nhưng sản lượng lúa chỉ đạt trên 10,4 triệu tấn, giảm đến 713.000 tấn so với cùng kỳ năm rồi do ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Riêng kế hoạch gieo sạ vụ hè thu 2016 ở ĐBSCL hơn 1,65 triệu ha, giảm 18.544ha, năng suất ước đạt 5,59 tấn/ha, tăng 0,14 tấn/ha; sản lượng hơn 9,2 triệu tấn, tăng 134.000 tấn so vụ hè thu 2015.

Văn Vĩnh - Như Anh
.
.
.