139.000 ha lúa thiệt hại, nửa triệu người thiếu nước sinh hoạt

Thứ Hai, 07/03/2016, 10:20
Đợt thiên tai kéo dài nhất trong lịch sử, khiến diện tích lúa thiệt hại tăng lên từng ngày. Nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, nhiều vùng ở ĐBSCL không có nước sinh hoạt, nguy cơ cháy rừng cao.

Sáng 7-3, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc với các tỉnh, thành phố ĐBSCL về công tác phòng, chống xâm nhập mặn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên làm việc với các tỉnh, thành ĐBSCL.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tổng thiệt hại lúa từ cuối năm 2015 đến nay là 139.000 ha. Trong đó, 86.000 ha thiệt hại trên 70%, 43.000 ha thiệt hại từ 30 đến 70% và 9.800 ha thiệt hại dưới 30% năng suất. Thời gian tới, dự kiến thêm 46.000 ha bị ảnh hưởng. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và Bến Tre.

Hạn mặn lịch sử gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của vùng ĐBSCL.

“Chúng ta đang trải qua El Nino được xác định là kéo dài nhất trong lịch sử. El Nino ảnh hưởng đến toàn bộ lưu vực sông Mê Kông. Lưu lượng mưa thấp nhất trong lịch sử, triều cường biển Đông và biển Tây tăng cao hơn trung bình. Những ngày tới (tháng 3 và 4-2016), tình hình sẽ nghiêm trọng hơn. Hạn mặn có khả năng kéo dài đến tháng 6”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho hay.

Đến thời điểm này, có 139 ngàn ha lúa bị thiệt hại.

Từ tháng 3 trở đi, các vùng cách biển 30 đến 45km không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Sau ngày 7-3, vùng Gò Công, Trà Vinh độ mặn lên cao, không lấy được nước. 

Nguồn nước ngọt về giữa bán đảo Cà Mau khó khăn hơn mùa khô 2015, nước mặn có thể xâm nhập vào đầu các kênh Quản Lộ - Phung Hiệp (điều này ít thấy trước đây). Từ nay đến tháng 5-2016, vùng Đông Hà Tiên, độ mặn có thể lên cao, các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Gò Quao (cùng tỉnh Kiên Giang) khả năng không có nước ngọt.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cần ưu tiên nguồn nước ngọt cho cấp nước sinh hoạt. Vụ hè thu, những nơi chưa có mưa hoặc nước ngọt đổ về thì không xuống giống. 

"Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến một số khu vực sử dụng nước mặt, nhất là các vùng chưa được cấp nước tập trung ở các khu vực cửa sông, ven biển như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Long An, Bạc Liêu. Hiện có khoảng 155 ngàn hộ gia đình, khoảng 575 ngàn người bị thiếu nước. Toàn tỉnh Bến Tre chỉ còn 4 xã thuộc huyện Chợ Lách, nguồn nước chưa bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Khô hạn kéo dài đến tháng 6 sẽ khiến nửa triệu ha lúa hè thu không xuống giống đúng thời hạn, nguy cơ cháy rừng cao.

Vụ hè thu năm 2016, nếu khô hạn kéo dài đến tháng 6, có khoảng 500 ngàn ha không xuống giống đúng thời hạn, chiếm 30% diện tích gieo trồng của toàn vùng. Hạn hán, nguồn nước cạn kiệt, nhiều khu vực đang nằm trog mức độ cảnh báo cháy rừng cao (cấp 4, cấp 5), đặc biệt là 2 cánh rừng lớn U Minh Thượng và U Minh Hạ. Việc nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát sinh dịch bệnh do thiếu nước ngọt bổ sung.

Văn Vĩnh
.
.
.