Môi trường làm việc không khói thuốc

Thứ Ba, 07/11/2017, 09:37
Thuốc lá đã và đang là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nghiêm trọng cho sức khỏe. Không chỉ người hút thuốc lá phải gánh hậu quả mà cả những người xung quanh cũng phải chịu tác hại nghiêm trọng do khói thuốc gây ra. Bởi vậy, việc tạo một môi trường không khói thuốc không chỉ trong gia đình mà ở nơi làm việc, nơi công cộng cần được đặc biệt quan tâm.

Thực hiện nghiêm quy tắc nơi làm việc không khói thuốc

Xây dựng nơi làm việc không khói thuốc lá – đó là một nội dung quan trọng trong cam kết của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố để thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo đánh giá của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, những cơ quan đi đầu thực hiện nghiêm quy định môi trường không khói thuốc như: Văn phòng Quốc hội, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Các bộ, ngành đều có những việc làm cụ thể, thiết thực để xây dựng nơi làm việc không khói thuốc lá.

Cụ thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ký cam kết thực hiện nơi làm việc không khói thuốc lá với 40/63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố. 62% số Công đoàn cơ sở trên cả nước triển khai môi trường làm việc không khói thuốc lá. Có tới 90% Công đoàn cơ sở triển khai xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. 100% cán bộ công đoàn chuyên trách được tập huấn về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Theo đánh giá của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, tại các tỉnh, thành phố, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; đưa tiêu chí không hút thuốc lá ở nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động.

Trong 3 năm qua, hơn 15.000 cán bộ chủ chốt tham gia hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá được tập huấn về thực hiện môi trường không khói thuốc, về các quy định Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá như: TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Huế, Công đoàn ngành ngân hàng, ngành bưu điện…

Nhiều cơ quan, đơn vị đặt biển cấm hút thuốc ở nơi dễ quan sát. 

Người đứng đầu có quyền xử phạt hành chính

Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội thông qua ngày 18-6-2012, có hiệu lực ngày 1-3-2013 quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng, kiểm soát nguồn cung cấp và các điều kiện đảm bảo để phòng chống tác hại của thuốc lá. Theo đó, vai trò của người đứng đầu được coi là đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng một môi trường trong lành, không khói thuốc lá.

Điều 6 Luật phòng chống tác hại của thuốc lá quy định: “Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc và quy chế nội bộ. Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước. Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá”.

Xây dựng một môi trường cơ quan, doanh trại không khói thuốc, các đơn vị của Bộ Công an đã bắt đầu từ những chi tiết nhỏ mà thiết thực như loại bỏ những vật dụng liên quan tới thuốc lá trong phòng họp và phòng làm việc, gắn biển “cấm hút thuốc” trên tường, dọc hành lang...

Tại Công an các địa phương, bên cạnh việc thực hiện gắn biển báo, đưa ra quy định xử phạt trong nội bộ cơ quan, các đơn vị đều tổ chức tập huấn phổ biến tác hại của hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động. Từ các lớp tập huấn này sẽ hướng dẫn xây dựng nơi làm việc không khói thuốc, hướng dẫn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng, phổ biến kiến thức và kỹ năng cơ bản trong thanh tra, kiểm tra việc thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá tại đơn vị.

Xác định phải tác động từ suy nghĩ dẫn đến thay đổi nhận thức, Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Công an đã hướng tới việc tuyên truyền, nâng cao tinh thần trách nhiệm bắt đầu từ chính trong nội bộ ngành, giữa mối quan hệ đồng chí, đồng đội.

Theo quy định, người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có quyền buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu có quyền yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình, từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở.

Thực tế cho thấy, các quy định về cấm hút thuốc lá, đảm bảo môi trường không khói thuốc đã khá đầy đủ, vấn đề còn lại là sự vào cuộc tích cực, nghiệm túc của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người đứng đầu các cơ sở.

Quá trình triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm giảm tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người đã mang lại kết quả bước đầu. Mong rằng người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nghiêm khắc xử phạt theo đúng quy định thì sẽ đảm bảo được một môi trường trong sạch cho cuộc sống của chính chúng ta.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do bệnh liên quan đến thuốc lá

Tỷ lệ hút thuốc cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời.

Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2011 cũng cho thấy, bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nam giới tại Việt Nam.

Minh Phương
.
.
.