Mở lối về cho những mảnh đời lầm lỗi

Thứ Ba, 02/10/2018, 06:53
Những con người một thời là “đại ca” trong các băng nhóm trộm cắp, hay chỉ vì phút ngông cuồng của tuổi trẻ mà phải trả giá nhiều năm sau song sắt của nhà giam, khi trở về đời thường, mặc cảm tội lỗi, gánh nặng tâm lý khiến họ không thoát ra được cái bóng của mình. Giúp đỡ, cảm hóa để họ xóa đi mặc cảm, tạo công ăn việc cho họ là yếu tố thành công của công tác tái hòa nhập cộng đồng.


Chúng tôi tới huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) vào những ngày chớm thu, huyện đảo đang trong quá trình đô thị hóa nên nhiều dự án lớn nhỏ được xây dựng. Nhưng đại bộ phận người dân trên huyện đảo vẫn sống nhờ vào đánh bắt hải sản, làm nông nghiệp để vươn lên thoát nghèo.

Ngôi nhà của anh Nguyễn Đức Hoàn (49 tuổi, trú tại xã Hạ Long) đã khang trang hơn sau nhiều năm anh tu chí làm ăn. Từng phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, bị án phạt 15 tháng tù giam, sau khi về quê, cuộc sống của anh gặp rất nhiều khó khăn.

Làm gì để sinh nhai là câu hỏi mỗi đêm anh phải tìm lời giải. Anh không dám đi xin việc vì mặc cảm, mà cũng không có vốn để làm bất cứ nghề gì. Trong lúc khốn đốn nhất anh đã được cán bộ Công an huyện Vân Đồn và Công an xã Hạ Long thường xuyên đến động viện, giúp anh ổn định tâm lý vượt qua mặc cảm. Sau nhiều ngày trăn trở, anh Hoàn quyết định làm lại cuộc đời ngay tại mảnh đất quê hương.

Được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, anh và gia đình đầu tư vào nuôi trồng thủy sản với mong muốn ổn định cuộc sống. Quyết tâm là vậy, nhưng mọi việc cũng chẳng hề đơn giản. Có những năm thời tiết không thuận lợi, thiên tai trắc trở, gia đình anh đã gặp nhiều phen khốn đốn.

Xưởng cơ khí của anh Khanh.

Sau này, từ kinh nghiệm rút ra trong những lần thất bại, cùng sự tư vấn, hướng dẫn của nhiều người, việc nuôi trồng thủy sản của anh Hoàn đã có sự phát triển đem lại thu nhập cao. Số tiền trên giúp anh trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học, bớt đi gánh nặng cho gia đình.

Cũng là người có quá khứ như anh Hoàn, sau khi chấp hành xong bản án 12 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”, anh Lê Quý Khanh (34 tuổi, trú tại xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) cũng được giúp đỡ rất kịp thời của chính quyền và lực lượng Công an huyện.

Ban đầu, anh được giới thiệu vào làm thợ cơ khí cho một cơ sở gần nhà. Quá trình làm việc, anh luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi để có tay nghề vững vàng. Nhờ đó, mỗi tháng thu nhập của anh được 6,5 triệu đồng, phần nào giảm bớt khó khăn cho gia đình. Đầu năm 2017, anh Khanh xin chủ cơ sở cho ra thành lập xưởng riêng tại gia đình với thu nhập mỗi tháng 15 triệu đồng.

Không những thế, anh còn nhận 7 người vào làm tại xưởng của mình, trong đó có anh Đinh Văn Thủy, trú tại thôn Đông Sơn, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, người từng có quá khứ lầm lỗi. Từ những trải nghiệm trong cuộc sống, anh Khanh đã tự rút ra bài học quý giá cho mình, đó là phải nhìn thấy sai lầm của bản thân để từ đó làm lại cuộc đời.

Trong vài năm lại đây, huyện Vân Đồn luôn quan tâm và chỉ đạo sát sao cho lực lượng Công an, chính quyền cơ sở chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ chỉ đạo các cấp, cơ sở làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người có quá khứ lầm lỗi chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương.

Trung tá Nguyễn Duy Dũng, Trưởng Công an huyện Vân Đồn cho biết: “Khi người được tha tù về địa phương dù tự nguyện hay chưa kịp đến trình báo thì Công an là người thay mặt chính quyền tiếp xúc đầu tiên, đồng thời tạo mọi điều kiện thực hiện các thủ tục theo quy định.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an còn nắm bắt tâm trạng của từng người nhằm động viên, phân tích để họ nhận thức đúng đắn về cái giá phải trả cho những sai lầm trước kia, đồng thời biết được những khó khăn, tâm tư, thái độ của những người này, báo cáo chính quyền cơ sở có kế hoạch giúp đỡ”.

Cùng với việc vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt, công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù của huyện Vân Đồn đã đạt được những kết quả khả quan.

Đến thời điểm hiện tại trong số 42 người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn đã có 34 trường hợp tiến bộ, có công việc ổn định, trở thành công dân lương thiện. Hiệu quả của công tác tái hòa nhập cộng đồng đã góp phần hạn chế việc gia tăng của tội phạm.

Đây cũng là việc làm có giá trị nhân văn sâu sắc, giúp cho những người từng phạm tội thực sự trân trọng, cuộc sống, có thái độ cầu thị, tích cực phấn đấu làm lại cuộc đời.

Nguyễn Khánh
.
.
.