Mất vệ sinh thực phẩm đã chạm báo động “đỏ”

Thứ Ba, 10/01/2017, 08:20
Trong buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội mới đây về công tác thực hiện chính sách pháp luật an toàn thực phẩm (ATTP) tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay TP còn tới hơn 1.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ chưa kiểm soát được về chất lượng. Bên cạnh đó, vấn đề ATTP trong khâu sản xuất, tiêu thụ rau quả cũng rất đáng lo ngại, chưa kiểm soát được về chất lượng rau quả.

Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp, đặc biệt đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cũng như sở, ngành trong công tác bảo đảm ATTP. Tuy nhiên việc kiểm soát và bảo đảm ATTP vẫn là thách thức lớn với một TP đông dân với mức phát triển dân số cơ học tăng nhanh.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, để tăng cường kiểm soát vệ sinh ATTP, công tác thanh, kiểm tra trên địa bàn TP đã được đẩy mạnh, số lượt cơ sở được thanh tra, kiểm tra và số tiền xử phạt đã tăng qua các năm.

Trong giai đoạn 2011-2016, Hà Nội đã kiểm tra hơn 820 nghìn cơ sở, phạt tiền hơn 18,5 nghìn cơ sở với tổng số tiền phạt trên 92 tỷ đồng. Đồng thời tiêu hủy thực phẩm không bảo đảm chất lượng trị giá gần 48 tỷ đồng. Lực lượng thanh tra chuyên ngành theo Quyết định 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xử lý vi phạm 786/3.536 cơ sở, trong đó có 371 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, TP đã làm quy hoạch và đang mở rộng quy hoạch về trồng rau Vietgap. “Tuy nhiên, bản thân người trồng rau cũng còn những hạn chế. Thực sự có một số bộ phận chưa nhận thức được việc xây dựng thương hiệu, không ngại tranh thủ bán cho tư nhân để đưa đi các điểm bán vãng lai”, ông Chung thẳng thắn.

Thực trạng mất vệ sinh ATTP ở Hà Nội đã tồn tại nhiều năm và luôn là vấn đề gây bức xúc cho người dân, là thách thức đối với sự phát triển của TP.

Mặc dù có quy định bắt buộc chở lợn sau mổ bằng thùng có nắp nhưng người kinh doanh hầu như không thực hiện.

Theo nhận xét của ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát, vấn đề đảm bảo về ATTP chưa được thực hiện quyết liệt, mặc dù đây là vấn đề đã đến giới hạn đỏ: “Mặc dù báo cáo của Hà Nội cho thấy, có 83% cơ sở cam kết đảm bảo ATTP, như vậy là còn 17% chưa cam kết. Sản lượng rau vẫn phải nhập 40%, số rau này có kiểm soát được không?”, ông Hiển băn khoăn.

Đoàn giám sát của Quốc hội nhận định, những cơ sở sản xuất, qua kiểm tra chưa đảm bảo thực sự kiểm soát chặt từ đầu vào, việc nuôi gia súc, gia cầm và sản xuất rau quả còn nhiều hạn chế, chưa truy xuất được nguồn gốc, an toàn từ sản xuất đến tiêu dùng còn khoảng cách khá xa. Ngoài ra, rất nhiều cơ sở chăn nuôi xả thẳng ra môi trường, không qua xử lý khiến nhiều xã ngoại thành bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đây là những vấn đề tồn tại mà đoàn giám sát yêu cầu Hà Nội phải khắc phục để đảm bảo an toàn về vệ sinh môi trường cho người dân.

Để xử lý hơn 1.000 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, năm 2017, Hà Nội sẽ xây dựng 4 trung tâm liên quan đến giết mổ. Sau đó sẽ đưa những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào hoạt động trong 4 trung tâm này và dẹp dần các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không kiểm soát được chất lượng. Và theo người đứng đầu TP, năm 2017, Hà Nội sẽ làm quyết liệt việc truy xuất nguồn gốc hàng hoá, thực phẩm, rau quả. Yêu cầu bắt buộc đối với các chợ sau cải tạo là phải có hệ thống xử lý nước thải, có nơi bảo quản thực phẩm.

Năm 2017, Hà Nội cũng thí điểm việc quản lý các điểm bán hoa quả, không để bày bán trên vỉa hè, áp dụng kiểm tra xuất xứ vùng miền. Để có thể trở thành một TP an toàn về thực phẩm, đảm bảo sức khoẻ cho người dân, không chỉ riêng Hà Nội mà ngay cả các tỉnh lân cận, nơi cung cấp thực phẩm cho Hà Nội cũng như người dân phải tự ý thức nâng cao tự giác trong các khâu sản xuất, nuôi trồng, chế biến.

Người sản xuất không sử dụng thuốc cấm, người kinh doanh không tiếp tay cho thực phẩm bẩn và người tiêu dùng phải tự trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân và gia đình.

Chi Linh
.
.
.