Lao động mất việc sau tuổi 35: Hết tuổi làm công nhân lại đi bán hàng rong

Thứ Năm, 21/06/2018, 09:19
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tại một số nơi cũng đã ghi nhận tới 80% phụ nữ trên 35 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc với lý do chính là do cơ cấu lại sản xuất, hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Cũng theo kết quả khảo sát này, sau khi bị sa thải, đa phần người lao động làm công việc tự do, buôn bán, công việc nội trợ gia đình, làm ruộng và bán hàng rong. Đặc biệt, đối với lao động nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12,1% làm công việc tự do...

Nỗi niềm lao động “hết đát”

Chị Nguyễn Thị Ngọc, sau hơn 12 năm làm việc tại một vài doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, ít ngày nay đang hoàn thiện hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Sàn giao dịch việc làm vệ tinh huyện Đông Anh thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Chị Ngọc cho biết, năm nay 38 tuổi, thời gian trước chị làm việc trong một doanh nghiệp FDI khoảng 10 năm. Sức khỏe giảm sút chị chuyển sang làm nhân viên tạp vụ tại một công ty nước ngoài. Tuy nhiên, hết hợp đồng 2 năm, công ty không ký tiếp, chị đang có ý định về nhà mở quán bán hàng tạp hóa vì ở tuổi này đi xin việc cũng khó có nơi nào nhận.

Chưa có con số thống kê cụ thể, tuy nhiên số lượng người đến các trung tâm dịch vụ việc làm hoàn thiện hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng.

Chưa bị mất việc, nhưng chị Nguyễn Thị Xuyến (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý việc có thể nghỉ làm ở công ty để làm việc ở nhà cho chủ động. 17 năm làm việc qua mấy công ty ở khu vực Hà Đông, không ít lần chị đã phải luân chuyển vị trí làm việc. 

Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng bày tỏ lo ngại với tình trạng người lao động trên 35-40 tuổi bị chủ sử dụng lao động đào thải, trong khi tuổi họ đã cao, sức khỏe giảm sút nên khó xin được việc làm mới để tiếp tục tham gia BHXH.

Theo ông Quảng, đa số người lao động phải nghỉ trước tuổi, thậm chí là nghỉ việc quá sớm ở tuổi 35-40 làm việc tại các doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thủy sản…

Lý do dẫn tới thực trạng này là đến tuổi 35-40, người lao động không còn đủ sức khỏe để làm việc nên họ phải tự nghỉ việc; nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ phải trả lương cao hơn, tiền đóng bảo hiểm cũng cao hơn cho người lao động có thâm niên. Mất việc khi tuổi đã cao, người lao động không có cơ hội quay lại thị trường lao động.

Áp lực an sinh xã hội    

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay số lượng người lao động nhận trợ cấp BHXH một lần đang có chiều hướng tăng cao. 5 tháng đầu năm 2018, cả nước có gần 300.000 người lao động được BHXH Việt Nam giải quyết chế độ trợ cấp một lần. 

Theo thống kê, những năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 700.000 người làm thủ tục BHXH hưởng chính sách trợ cấp một lần.

“Những lao động ở lứa tuổi trên 35 tuổi khi thôi việc ở doanh nghiệp, khu vực có quan hệ lao động thì rất khó tìm việc ở nơi khác và thường làm việc ở khu vực phi chính thức nên không có tiền để tiếp tục tham gia BHXH, do đó họ muốn nhận trợ cấp BHXH 1 lần. 

Vấn đề quan ngại là ngày càng nhiều lao động ra khỏi hệ thống an sinh xã hội, sau này về già họ không có lương hưu thu nhập lại quá thấp sẽ tạo nên một áp lực rất lớn lên hệ thống an sinh xã hội”, ông Quảng nói.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH thừa nhận việc có những doanh nghiệp sa thải người lao động sau tuổi 35 với lý do ở tuổi đó làm việc chậm chạp hơn, năng suất lao động không cao như lao động trẻ mà tiền lương lại cao hơn. Do vậy các doanh nghiệp cho rằng, tốt nhất là tuyển lao động trẻ, lương thấp hơn, năng suất lại cao hơn. 

“Câu chuyện này không phải chỉ riêng ở nước ta. Chỉ có điều ở Việt Nam diễn ra sớm hơn ở độ tuổi 35, chứ không như các nước khác như Hàn Quốc chẳng hạn diễn ra ở độ tuổi 45 - 50 tuổi.

Ở Việt Nam số lượng lớn lao động làm trong các doanh nghiệp gia công như da giày, may mặc, nơi mà sức khỏe quan trọng hơn kỹ năng. Muốn thay đổi điều này phải thay đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới cơ cấu kinh tế không thì chúng ta cũng không thể thoát khỏi thực tế này”, ông Diệp nói.

Theo ông Diệp, để xử lý vấn đề này, cần thêm nhiều giải pháp như cải cách chính sách tiền lương để làm sao tuổi tác của người lao động không phải là áp lực quá lớn đối với các doanh nghiệp. 

Tăng cường cơ chế đối thoại, ở lứa tuổi đó thì chấp nhận chính sách tiền lương như thế nào để hài hòa cả hai bên. Một vấn đề cũng không kém quan trọng cần phải được tính tới đó là cải cách chính sách BHXH.

Ông Diệp cho rằng, một trong các chính sách BHXH là bảo hiểm thất nghiệp hiện nay nặng về giải quyết hậu quả mà chưa quan tâm được đến việc phòng ngừa thất nghiệp. 

Chỉ khi nào người lao động thất nghiệp mới làm hồ sơ để hỗ trợ thất nghiệp, học nghề mới nhưng loanh quanh luẩn quẩn vẫn chỉ trong mấy nghề da giày, dệt may. Cho nên học xong ra cũng rất khó xin được việc.

Phan Hoạt
.
.
.