Lao đao vì sạt lở bờ sông, bờ biển

Chủ Nhật, 26/11/2017, 11:41
Cứ đến mùa mưa bão, nhiều tuyến bờ ven sông, biển ở tỉnh Thừa Thiên - Huế lại tái diễn cảnh sạt lở nghiêm trọng. Nhiều khu dân cư bị sông, biển “nuốt”, nhà cửa bị cuốn trôi theo dòng nước xoáy, đồng ruộng bị nhiễm mặn không còn đất sản xuất. Tình trạng này đã khiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh lao đao...

Ngày 24-11, chính quyền xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), đã huy động hàng chục nhân công đến đóng cọc, gia cố điểm sạt lở ngay trước cổng cơ sở 1, Trường Tiểu học Hương Thọ.

Dẫn chúng tôi ra điểm sạt lở bị nước sông Hương “ngoạm” cả trăm khối đất, thầy giáo Nguyễn Văn Tồn, Hiệu trưởng, vẫn chưa hết bàng hoàng kể rằng, vào khoảng 13h30 chiều 23-11, khi nhiều phụ huynh chở con đến trường thì con đường trước cổng trường đổ ầm ầm từng mảng đất lớn xuống sông Hương.

Chưa đầy 5 phút, một nửa con  đường bê tông trước cổng trường đã bị cuốn trôi xuống sông. Rất may thời điểm ấy các phụ huynh đã nhanh chân đưa con vào trường, nếu không chắc chắn đã có tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Hai căn nhà của người dân thôn La Khê Trẹm, xã Hương Thọ sụp đổ xuống sông Hương do sạt lở.

Để đảm bảo an toàn cho 293 học sinh của 12 lớp học thuộc 5 khối, nhà trường buộc phải dựng hàng rào phía 2 đầu đường cổng chính đoạn qua điểm sạt lở và mở cổng phụ để thầy cô giáo và học sinh đi vào trường…

Cách Trường Tiểu học Hương Thọ không xa là những điểm sạt lở mới kéo dài hàng trăm mét vừa xuất hiện dọc bờ sông Hương từ cầu Hữu Trạch đến tận cuối thôn La Khê Trẹm, xã Hương Thọ.

Theo lãnh đạo UBND xã Hương Thọ, do những ngày qua địa bàn tỉnh có mưa lớn, nước lũ trên sông dâng cao, chảy xiết gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Điển hình như ở thôn La Khê Trẹm có nhà 2 hộ dân bị cuốn phăng xuống sông do sạt lở vào trưa ngày 22-11 và hàng chục căn nhà bị sạt lở bờ sông tiến sát cận kề.

Chúng tôi tìm đến căn nhà của vợ chồng bà Nguyễn Thị Chạy (51 tuổi, trú thôn La Khê Trẹm) đúng lúc vợ chồng bà đang nhặt nhạnh lại mấy tấm tôn cùng vài chiếc đòn tay còn sót lại từ ngôi nhà đã sụp đổ xuống sông.

Chỉ tay xuống vực sâu vốn trước đây là phần móng nhà, bà Chạy rưng rưng nước mắt nói: “Ngôi nhà này được vợ chồng tôi xây dựng từ đầu năm 2016 với số tiền hơn 100 triệu đồng. Dù chưa ở được bao lâu thì vào 2 hôm trước (trưa 22-11), khi 4 người trong nhà đang ngủ trưa bỗng giật mình bởi những tiếng ầm ầm phát ra từ bên sông. Hoảng quá, tôi chạy ra kiểm tra thì phát hiện 1 phần căn nhà đã sụp đổ nên gọi chồng và các con chạy thoát ra ngoài. Đúng lúc đó thì toàn bộ căn nhà dần bị sụt lún và đổ xuống hố sâu này”.

Tương tự, căn nhà của gia đình anh Lê Ngà được xây bên cạnh nhà bà Chạy cũng bị cuốn theo từng mảng đất trôi ra giữa dòng sông. Tại hiện trường, cả 2 ngôi nhà chỉ còn sót lại những trụ bê tông và vài tấm lợp phi-brô xi măng rách nát nằm dưới đống đất đá.

Ông Nguyễn Xuân Ty, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho biết, ngay sau khi xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc bờ thượng nguồn sông Hương đoạn qua xã Hương Thọ, thị xã đã tổ chức đoàn đến hiện trường kiểm tra để tìm biện pháp ứng phó, khắc phục tình trạng sạt lở. Theo đó, tại các điểm sạt lở nặng kể trên, chính quyền địa phương sẽ khẩn cấp gia cố bờ sông để hạn chế sạt lở tiếp diễn và sắp tới sẽ huy động vốn để xây bờ kè chống sạt lở lâu dài.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 12 và áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 14 kết hợp triều cường dâng cao, biển động mạnh nên nhiều tuyến bờ biển tại các địa phương ven biển tỉnh Thừa Thiên- Huế tiếp tục bị sạt lở nặng. Trong đó, nghiêm trọng nhất là bờ biển ở xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc) khi sạt lở lấn sâu vào khu dân cư với chiều dài 2,5km và hiện đã mở thêm một cửa biển mới rộng 50m.

Ông Nguyễn Văn Lợi (ở thôn 4, xã Vinh Hải) lo lắng nói rằng, ngoài việc gây hư hại các tuyến đường giao thông, nước biển tràn vào theo cửa biển mới khiến nhiều ao hồ nuôi trồng thủy sản của gia đình và các hộ dân trong thôn bị nhiễm mặn gây khó khăn cho sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu, Chủ tịch UBND xã Vinh Hải khẳng định, bờ biển bị xâm thực nặng đã ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của 700 hộ dân toàn xã. Trước mùa mưa bão hàng năm, địa phương đều huy động nhân lực, phương tiện để dùng đá hộc, rọ thép xử lý khẩn cấp những điểm sạt lở nhưng khi biển động mạnh thì tình trạng sạt lở tiếp tục tái diễn và càng nghiêm trọng hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế thông tin thêm, do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt bão, áp thấp nhiệt đới vừa qua đã khiến bờ sông Hương sạt lở với tổng chiều dài hơn 5,4km; sông Bồ sạt lở hơn 10km. Ngoài ra, có 9,7km bờ biển tại các địa phương của tỉnh tiếp tục sạt lở nặng, ăn sâu vào đất liền từ 5-10m, gồm các đoạn qua thị trấn Thuận An, các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (huyện Phú Vang); xã Vinh Hải, Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc); Quảng Công (huyện Quảng Điền)...

“Trước tình trạng sạt lở ven sông, ven biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng tại các địa phương, hiện Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đang nghiên cứu, đề xuất có phương án xây dựng những tuyến kè ven sông, ven biển kiên cố và có thể chịu đựng được các cơn bão lũ mạnh nhằm đảm bảo an toàn cho vùng dân cư để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất về lâu dài”, ông Hòa cho hay.

Anh Khoa
.
.
.