Chủ động di dời dân, tránh nguy cơ sạt lở núi do mưa lũ

Thứ Năm, 23/11/2017, 08:16
Chiều 22-11, tại buổi làm việc với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cùng các cơ quan liên quan nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu các địa phương miền núi chủ động di dời dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt sâu đến nơi an toàn trước 18h ngày 23-11.


Những khu vực đã di dời dân thì tuyệt đối chưa cho người dân trở về nơi ở cũ, đề phòng nguy cơ sạt lở khi có mưa lớn xảy ra. Đề nghị, Văn phòng Thường trực PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam theo dõi, chỉ đạo các nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, A Vương, Sông Bung 4 chủ động điều tiết nước, vận hành đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ.

Ngoài ra, các lực lượng Quân đội, Công an bố trí lực lượng để tiếp tục cảnh giới, cảnh báo người dân ở những khu vực nguy hiểm…

Một điểm sạt lở nghiêm trọng tại khu dân cư thuộc xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, do ảnh hưởng của không khí lạnh, trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa lớn trên diện rộng từ 150 – 300mm, có nơi trên 400mm, tập trung vào các ngày 23 và 24-11. Dự báo mực nước các sông Vu Gia, Thu Bồn sẽ lên trên báo động 2 đến báo động 3.

Trong ngày 22-11, một số khu dân cư ở vùng trũng thấp của các địa phương Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An vẫn bị ngập lụt từ 0,5-0,7m, khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Riêng tại huyện Bắc Trà My đã chỉ đạo di dời được 521 hộ tại 12 xã có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, ngày 22-11, trên địa bàn huyện miền núi Sơn Tây vẫn còn 7 thôn bị sạt lở núi gây chia cắt. Các cấp, các ngành cùng các lực lượng vũ trang của huyện, một mặt đang tập trung xử lý thông tuyến để giải thoát cô lập cho người dân, một mặt chỉ đạo cứu trợ lương thực cho người dân nằm trong vùng đang bị cô lập dài ngày, quyết tâm không để hộ dân nào bị đói ăn sau lũ.

“Hiện UBND huyện đang tập trung huy động gạo, mì tôm, mền để hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả lũ lụt. Hơn nữa sau ảnh hưởng bão số 12 và mưa lũ, thiệt hại trên địa bàn huyện quá lớn nên chúng tôi cũng đã đề nghị với UBND tỉnh hỗ trợ cùng phối hợp với địa phương để khẩn trương giải phóng đường bị sạt lở thoát khỏi cô lập”, ông Đinh Quang Ven, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết.

Cũng theo ông Đinh Quang Ven, mặc dù chính quyền địa phương phối hợp cùng lực lượng Công an và nhân dân nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ, nhưng do tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng nên công tác khắc phục, giải thoát cô lập cho người dân tại các vùng sạt lở núi còn gặp rất nhiều khó khăn.

Các tuyến đường từ trung tâm các xã Sơn Dung, Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Màu của huyện Sơn Tây dẫn về các thôn còn tồn tại hàng loạt điểm sạt lở núi gây tắc đường chưa thể khắc phục thông tuyến. “Sạt lở như thế này bà con chúng tôi đi lại rất khó khăn.

Đề nghị nhà nước quan tâm sớm khắc phục chứ cứ lâu khắc phục như thế này thì việc đi lại không biết đến lúc nào bình thường”, anh Đinh Văn Buồn, người dân xã Sơn Màu nói.

Ông Bùi Đức Thạch - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Sơn Tây, cho biết thêm: Đến nay, các tuyến đường về các thôn vẫn đi lại hết sức khó khăn. Nhiều nơi ở các tuyến đường liên xã trong huyện, khối lượng đất đá sạt lở rất là lớn. Qua đây, địa phương đề nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ để tiếp tục khắc phục nhằm sớm ổn định đời sống cho nhân dân sau lũ lụt.

Cảnh báo nguy cơ sạt lở trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua đèo Hải Vân

Do có mưa lớn nên trong 2 ngày 20 và 21-11, tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn qua đèo Hải Vân, thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, bị sạt lở nghiêm trọng nhiều đoạn. Công tác khắc phục sự cố sạt lở đã hoàn thành, đường sắt Bắc-Nam đã thông tuyến trở lại.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Khánh, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Thừa Thiên - Huế sau khi các điểm sạt lở được khắc phục, hiện công tác chạy tàu trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, đoạn qua địa bàn tỉnh, nhất là khu vực đèo Hải Vân vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, trong những ngày tới, tình hình mưa lũ trên địa bàn còn diễn biến phức tạp nên nguy cơ sạt lở trên đèo Hải Vân là rất lớn. Vì thế, ngoài công tác cảnh báo, chuẩn bị phương án ứng phó thì phương án phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Công an để trung chuyển hành khách trong trường hợp xảy ra sạt lở trên tuyến đường sắt sẽ được ưu tiên. (Anh Khoa)

N.Thi – T.Thành
.
.
.