Làng làm đèn ông sao thủ công ở miền Bắc đón chờ Tết Trung thu

Thứ Ba, 06/08/2019, 14:59
Đã từ lâu làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định) nổi tiếng với nghề làm đèn ông sao. Dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Trung thu nhưng ngôi làng nhỏ này đã nhộn nhịp hẳn lên.

Làng nghề Báo Đáp có 7 thôn với khoảng 1.000 hộ thì có tới 300 gia đình làm đèn ông sao truyền thống. Trong làng  các cụ già cho đến những em nhỏ mới 7 – 8 tuổi cũng có thể tự hoàn chỉnh một chiếc đèn ông sao. Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm đèn ông sao tại làng Báo Đáp đã có từ lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Làng Báo Đáp có truyền thống làm đèn ông sao từ rất lâu.

Thời gian trước đèn ông sao không được ưa chuộng, hơn nữa phải cạnh tranh với một số mặt hàng đồ chơi hiện đại, ngoại lai khác nên người dân làng nghề không dám làm ồ ạt mà phải vừa làm vừa theo dõi nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, khi người dân quay lại với các loại đồ chơi truyền thống thì đèn ông sao lại một lần nữa "lên ngôi".

Làng có 7 thôn với khoảng 1.000 hộ thì có tới 300 gia đình làm đèn ông sao truyền thống.

Những chiếc đèn ông sao của làng Báo Đáp được chế tạo theo phương pháp thủ công. Để làm được một chiếc đèn ông sao người làng phải chuẩn bị từ rất lâu. Muốn có một khung đèn chắc chắn lại nhẹ nhàng, ngay từ sau Tết nhiều người dân trong làng đã mua tre nứa về ngâm, những thân đay (làm cán) phải được phơi qua "nhiều nắng" mới đạt đủ tiêu chuẩn...

Ngoài ra người làng Báo Đáp không có thói quen sử dụng keo dán công nghiệp để dán vỏ đèn, mà chỉ tin dùng theo phương pháp truyền thống. Theo các cụ trong làng, bột gạo được được nấu theo những công thức riêng sau khi quét lên thân tre sẽ giúp chiếc đèn bền hơn và rất an toàn cho trẻ nhỏ...

Gần như mọi người dân trong làng đều biết cách làm hoàn chỉnh một chiếc đèn ông sao. Từ các cụ già..
...cho đến những em nhỏ.

Trong số những người làm đèn ông sao tại làng Báo Đáp thì anh Nguyễn Văn Tùng (SN 1991) thuộc thế hệ sau nhưng anh cũng là người tích cực nhất trong việc quảng bá sản phẩm truyền thống của quê hương. Anh Tùng lập trang web và fanpage trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, giúp những chiếc đèn ông sao truyền thống của làng được biết đến nhiều hơn ở khắp các tỉnh thành.

Người dân làng Báo Đáp làm đèn ông sao theo phương pháp thủ công. Để có một chiếc đèn hoàn chỉnh phải qua rất nhiều khâu và đòi hỏi sự tỷ mỷ cẩn thận từng chút một.
Để chuẩn bị cho mỗi "mùa Trung thu" ngay từ đầu tháng Giêng âm lịch mọi năm người làng đã phải tìm mua các loại vật liệu.... Tre, nứa để làm khung đèn phải được ngâm nước vài tháng mới đảm bảo đủ độ dẻo và nhẹ...
Riêng đay làm cán đèn sau khi nhuộm màu được phơi rất kỹ khiến chúng vừa chắc vừa nhẹ.
Đặc biệt người dân làng thường sử dụng bột gạo để dán đèn. Theo các cụ trong làng, bột gạo được được nấu theo những công thức riêng sau khi quét lên thân tre sẽ giúp chiếc đèn bền hơn và rất an toàn cho trẻ nhỏ.
Các hộ làm nghề thường huy động cả nhà tham gia. Những em nhỏ trong dịp nghỉ hè cũng trở thành những thợ làm đèn thực thụ...
Mỗi chiếc đèn được làm rất cẩn thận vừa để đảm bảo tính thẩm mỹ vừa phải đẹp và an toàn khi đến tay các "thượng đế nhỏ tuổi".
Đèn cũng được trang trí nhiều hình ảnh với chủ đề vui tươi quen thuộc với thiếu nhi Việt Nam như đêm Trung thu, chị Hằng, trăng sáng...
Sản phẩm đèn ông sao của làng Báo Đáp đã được biết đến trên thị trường từ nhiều năm qua.
Một thời gian các đồ chơi hiện đại tràn ngập thị trường, nghề truyền thống của làng đứng trước nguy cơ mai một.
Song khi thói quen sử dụng những đồ chơi truyền thống trở lại giúp chiếc đèn ông sao làng Báo Đáp lại một lần nữa "lên ngôi".
Dẫu vậy thu nhập thấp công với công việc đòi hỏi nhiều thời gian đang khiến một số hộ trong làng đặc biệt là những thanh niên trẻ không còn "mặn mà" với nghề truyền thống này nữa.
Một số người dân làng Báo Đáp rất mong muốn nghề làm đèn ông sao truyền thống không bị mai một theo thời gian mà tiếp tục gắn liền với Tết trung thu của dân tộc.
Nguyễn Bình - Trần Ngọc
.
.
.