Kiến ba khoang “đột nhập” nhà dân nhiều người nhập viện
- Không nên hoang mang vì kiến ba khoang
- Cách nhận biết và đối phó với kiến ba khoang
- Kiến ba khoang "ồ ạt" tấn công nhiều khu dân cư
Chị Nguyễn Thị Kim Phụng, một cư dân ở đây cho biết, mấy hôm nay ngày nào chị cũng thấy kiến ba khoang dưới sàn, trên trần. Chị phải lấy máy hút bụi để “tiêu diệt” loài côn trùng này. Người thân của chị, có cả trẻ em đã bị lở loét do loài kiến này gây ra.
Chị Thiện Hoàn, cũng là cư dân ở đây than: “Mặc dù nhà mình ở đến tận tầng 17 khu căn hộ nhưng kiến ba khoang vẫn tìm cách bay vào được bên trong. Kiến bò vào chăn màn, áo quần, đêm nằm ngủ không biết thì bị kiến đốt vào người. Vết thương ban đầu sưng tấy, sau đó nổi mụn nước lan rộng, cảm giác đau rát ngoài da”. Chị Hoàn phải mất gần bảy ngày chịu đựng, vết thương ngoài da mới lành lại.
Có trường hợp bị kiến ba khoang đốt phải mất nửa tháng mới lành lại, nếu điều trị không cẩn thận có thể để lại các vết thâm sẹo ngoài da. Có người bị chúng “hỏi thăm” 2-3 lần kể từ đầu mùa mưa.
Lở loét do bị kiến ba khoang tấn công. |
Việc kiến ba khoang “tấn công” nhà dân chủ yếu diễn ra ở các căn hộ cao tầng như Citihome, Citibella ở khu Cát Lái. Được biết, ở khu này có các bãi lau sậy, cây cối um tùm, trời mưa cùng với khí hậu ẩm ướt nên tạo điều kiện thuận lợi cho đàn kiến ba khoang phát triển mạnh. Với đặc điểm bị ánh sáng thu hút, chúng có thể bay từng đàn hơn chục con “đột nhập” vào nhà.
Để chống lại kiến ba khoang nhiều người đã truyền đạt cho nhau kinh nghiệm chẳng hạn như làm rèm, lắp cửa lưới chống muỗi, kiến nhưng chỉ hạn chế phần nào.
Một bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, khi kiến ba khoang vào nhà thì người dân không nên dùng tay để giết hoặc bắt nó. Nhiều người dính phải chất dịch trong mình con kiến cũng bị sưng tấy da thịt, lở loét nặng. Nếu nhà dân có rèm cửa thì cần buông xuống, tránh ánh sáng lọt ra ngoài hấp dẫn kiến bay vào. Trẻ em và phụ nữ mang bầu có thể bôi thuốc chống côn trùng ngoài da để đề phòng.