Xung quanh vụ việc 33 lao động Việt Nam kêu cứu ở Nhật Bản:

Khuyến cáo lao động đừng “ham rẻ”

Thứ Bảy, 19/03/2016, 08:48
Liên quan đến tình trạng của 33 lao động Việt Nam vừa kêu cứu tại Nhật Bản, ngày 17-3, trao đổi với PV, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đơn vị này đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh cụ thể vụ việc. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng khẳng định, chỉ có 33 lao động làm đơn cầu cứu, không phải 43 lao động như một số thông tin đã đưa.

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, 33 lao động này đi làm việc tại Nhật Bản thông qua chi nhánh của Công ty  Freesia House Corporation (6-8-3 Sotokanda Chiyoda-Ku, Tokyo),  có văn phòng tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh theo diện kỹ sư thực hành với thời hạn visa là 1 năm. 

Theo thông tin xác nhận của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, những lao động này sang Nhật Bản theo hình thức hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với công ty sử dụng lao động tại Nhật Bản. 

Liên quan đến vấn đề này, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã có buổi làm việc với công ty sử dụng lao động tại Tokyo, Nhật Bản. Vấn đề mấu chốt trong vụ việc này là công ty sử dụng lao động tại Nhật Bản không thực hiện đúng hợp đồng đã ký về các điều kiện làm việc và ăn ở. 

Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tới nhà máy tại Iwate – nơi những lao động này đang làm việc để xác minh, làm rõ các điều kiện làm việc và ăn ở thực tế của người lao động để có cơ sở yêu cầu công ty sử dụng lao động thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký, đảm bảo điều kiện làm việc và ăn ở cho người lao động.

Lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ thông tin qua các kênh chính thống để tránh bị lừa đảo.

Theo con số từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện đang có khoảng 50.000 thực tập sinh Việt Nam thực tập kỹ năng tại Nhật Bản. Hiện phần lớn thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ năng tại Nhật thông qua các doanh nghiệp phái cử đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước giới thiệu với Tổ chức hợp tác và đào tạo quốc tế Nhật Bản (JITCO). 

Theo kênh phái cử này, các doanh nghiệp phái cử phối hợp với các nghiệp đoàn tiếp nhận của Nhật tiến hành tuyển chọn tu nghiệp sinh, sau đó tổ chức đào tạo tiếng Nhật và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho tu nghiệp sinh trước khi đưa sang tu nghiệp tại Nhật Bản. Đến nay Cục Quản lý lao động ngoài nước đã giới thiệu với JITCO 203 doanh nghiệp phái cử đủ điều kiện để thực hiện chương trình này.

Hiện nay, việc lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nói chung, thị trường Nhật Bản nói riêng không tránh khỏi tình trạng “ham rẻ”, bị lừa bởi các công ty không có tư cách tuyển chọn. 

Trước vấn đề này, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, để đảm bảo người lao động được đi làm việc ở nước ngoài theo kênh an toàn, hợp pháp, tránh tình trạng bị các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài lừa đảo, chúng tôi đã rất nhiều lần khuyến cáo người lao động cần phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký đi làm việc ở nước ngoài thông qua bất kỳ tổ chức nào. 

“Người lao động có thể tìm hiểu thông tin trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn) hoặc gọi điện tới Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại (04-38249517 máy lẻ 511, 512, 513). Hoặc người lao động có thể tới Trung tâm dịch vụ việc làm hoặc Sở LĐ-TB&XH địa phương nơi người lao động cư trú để được tư vấn các thông tin chính thống, để có thể đi làm việc ở nước ngoài theo kênh an toàn, hợp pháp”, ông Nam cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 33 lao động vừa gửi đơn kêu cứu tại Nhật Bản, dù có danh nghĩa là kỹ sư, nhưng họ chỉ là lao động phổ thông nhằm lách luật. Khi đến Nhật mọi việc khác hẳn, họ được chuyển về tỉnh Iwate - nằm ở miền Bắc nước Nhật, làm việc tại công ty Seinan. 

Do đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo, khi đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, người lao động phải trực tiếp đăng ký với các doanh nghiệp/tổ chức có chức năng phái cử lao động đi làm việc ở nước ngoài chứ không thông qua bất kỳ trung gian hay môi giới nào. Ngoài ra, người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài cũng cần tìm hiểu các quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 

Thêm nữa, người lao động cũng cần tìm hiểu kỹ các điều kiện làm việc, ăn ở trong hợp đồng sẽ ký với chủ sử dụng lao động nước ngoài và chỉ ký hợp đồng khi đã thực sự hiểu cũng như vừa ý với các điều kiện đó. Người lao động cần có ý thức học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ để nâng cao khả năng xử lý cũng như tăng hiệu quả công việc trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Khi sang nước ngoài làm việc, nếu các điều kiện đó không được đảm bảo như hợp đồng đã ký, người lao động cần liên hệ ngay với các cơ quan chức năng (cơ quan quản lý lao động địa phương nơi người lao động làm việc; doanh nghiệp/tổ chức phái cử; Ban Quản lý lao động Việt Nam/Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại…) để được can thiệp hỗ trợ yêu cầu các điều kiện làm việc và ăn ở như hợp đồng đã ký cho người lao động.

Phan Hoạt
.
.
.