Hệ lụy tình trạng lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Hàn Quốc

Thứ Bảy, 26/12/2015, 11:03
Số lượng người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động Việt Nam nói chung và quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói riêng.


Theo con số của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), đến nay cả nước vẫn còn khoảng 15 nghìn lao động Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đặc biệt 5 địa phương có số lượng lao động bất hợp pháp cao nhất tính đến ngày 30-11-2015 là Nghệ An (1.454 người), tiếp theo là Hà Nội (948 người), Hải Dương (853 người), Thanh Hóa (823 người), Nam Định (733 người)… 

Số lượng người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động Việt Nam nói chung và quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói riêng.

Lo lắng chờ ngày xuất cảnh

Trước thông tin Bộ LĐ-TB&XH sẽ không tuyển lao động đi làm việc ở Hàn Quốc ở những địa phương có tỷ lệ lao động bất hợp pháp cao nên trong những ngày qua, ông Lê Văn Hải (quê ở Nam Định hiện đang làm thuê tại Hà Nội) cảm thấy lo lắng. 

Nguyên nhân được ông Hải chia sẻ, ở nhà có cậu con trai đã học xong tiếng và đang làm thủ tục để chuẩn bị tới đây đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Tính cả tiền đặt cọc, gia đình ông đã phải bỏ ra đến hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên với mong muốn chính đáng đây là một cách để thoát nghèo nên gia đình ông chấp nhận đi vay mượn, thậm chí là phải thế chấp cả sổ đỏ cho ngân hàng để lấy tiền cho con trai được đi lao động.

“Mấy ngày qua có thông tin Bộ LĐ-TB&XH sẽ không tuyển lao động ở các địa phương đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc có tỷ lệ bỏ trốn cao, mà Nam Định cũng nằm trong danh sách đó nên gia đình tôi vô cùng hoang mang. Gia đình cũng đã liên hệ với công ty, họ đã trả lời đây chỉ là dự kiến. Nếu không đi được thì chúng tôi cũng không mất tiền. Tuy nhiên, mọi thứ đã được chuẩn bị chu đáo, con trai tôi cũng đã mất nhiều thời gian để học tiếng, rồi chi phí ăn ở, đi lại, mà không thực hiện được nên gia đình rất lo lắng”, ông Hải chia sẻ.

Tỷ lệ lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn còn rất lớn. (Ảnh minh họa).

Thực tế, thông tin Bộ LĐ-TB&XH, không tuyển lao động ở một số địa phương trong danh sách đi làm tại quốc gia này có tỷ lệ bỏ trốn cao mới chỉ là dự kiến. Theo Bộ LĐ-TB&XH thì thời gian tới đơn vị này sẽ triển khai các giải pháp quyết liệt hơn nhằm giảm số lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, tiến tới ký Biên bản ghi nhớ bình thường về hợp tác lao động với Hàn Quốc.

Quyết liệt giảm lao động bất hợp pháp

Theo con số từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), kể từ khi thực hiện đưa lao động đi làm tại Hàn Quốc tới nay, 75.000 lao động Việt Nam đã được đi làm việc tại Hàn Quốc. Người lao động làm việc theo chương trình này đại bộ phận là lao động phổ thông, có việc làm và thu nhập ổn định. Mức thu nhập trung bình 800-1.500 USD/người/tháng. 

Theo khảo sát của Cục Quản lý lao động ngoài nước, người lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao về sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo… Chính vì vậy số lượng người lao động Việt Nam được lựa chọn luôn dẫn đầu so với lao động của 14 quốc gia khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động Việt Nam và quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Mặc dù Chính phủ 2 nước đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc ở lại cư trú và làm việc trái phép khi hết hạn hợp đồng nhưng tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước vẫn ở mức cao so với mức chung của 14 nước phái cử lao động sang Hàn Quốc.

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết, việc rà soát các tỉnh có nhiều lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc để đề xuất với Chính phủ có biện pháp hạn chế tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với những địa phương này hiện cũng đang chỉ là dự kiến. 

Theo bà Hà, phải chờ đến hết ngày 31-12-2015 để xem số lượng lao động bất hợp pháp đăng ký về nước là bao nhiêu thì mới có định hướng cụ thể, bởi cơ quan chức năng cũng đang tích cực triển khai các giải pháp vận động số lao động này về nước. Tuy nhiên, bà Hà cũng cho rằng con số khoảng 3.000 người đã về nước đến nay so với con số 15.000 lao động bất hợp pháp là còn quá ít.

Trong thông điệp gửi tới những lao động đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc và gia đình họ, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, những lao động đang làm việc theo hợp đồng tại Hàn Quốc hãy về nước đúng thời hạn cũng là để có cơ hội quay trở lại Hàn Quốc nếu có nguyện vọng. 

Những lao động Việt Nam hãy vì quyền lợi của bản thân, vì thể diện của dân tộc, vì những người đồng hương khác có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc, hãy về nước đúng thời hạn, hãy đăng ký tự nguyện về nước nếu đang có tư cách lưu trú trái phép để được hưởng các quyền lợi theo các chính sách ân xá của cả Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc.

Phan Hoạt
.
.
.