Không giao quản lý hồ chứa thủy lợi cho địa phương không đủ năng lực

Thứ Ba, 31/07/2018, 08:49
Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cả nước hiện có 6.648 hồ chứa thủy lợi và 485 hồ chứa thủy điện, trong đó, khoảng 90% là các hồ chứa nhỏ.

Phần lớn các đập tạo hồ chứa nhỏ là đập đất được xây dựng từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Hiện có khoảng 1.200 hồ chứa thủy lợi đang bị xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng, trong đó gần 400 hồ xung yếu tập trung chủ yếu ở miền Bắc có nguy cơ mất an toàn bất cứ lúc nào.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, hồ chứa thủy lợi hiện được phân làm 2 loại là hồ có van điều tiết và hồ không van điều tiết, để tràn tự do. 

Đối với hồ tràn tự do, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao bởi hầu hết các hồ này là hồ chứa nhỏ, đập đất, được xây dựng cách đây hàng chục năm bằng công nghệ, kỹ thuật lạc hậu. Dung tích của các hồ chứa thủy lợi đạt khoảng 11 tỷ m³. 

Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa, đến nay, các hồ có dung tích lớn hơn 100 triệu m³, hơn 10 triệu m³ và từ 3 triệu m³ nước trở lên bị xuống cấp đã được sửa chữa ở mức bảo đảm an toàn cao và bảo đảm an toàn. 

Tuy nhiên, số lượng hồ chứa có dung tích dưới 3 triệu m³ được sửa chữa không nhiều. Ngoài số lượng 1.200 hồ chứa xuống cấp được thống kê, cả nước còn khoảng hơn 2.500 hồ chứa nhỏ có dung tích dưới 200.000m³ khác nằm phân tán do thôn, xã quản lý không có tài liệu để đánh giá.

Nhiều hồ chứa thủy lợi đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ mất an toàn.

Theo Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa nước, tổng kinh phí thực hiện của Chương trình là 21.131 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA là 344 triệu USD (tương đương hơn 9.300 tỷ đồng), vốn trong nước là 11.794 tỷ đồng. 

Ông Tỉnh cho biết, Chương trình Bảo đảm an toàn hồ chứa nước bao gồm nhiều công việc khác nhau và thời gian thực hiện kéo dài. Vì thế Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Chính phủ từng bước làm sao để từ nay đến năm 2022 cơ bản những hồ chứa xung yếu sẽ được nâng cấp và đảm bảo an toàn. 

Còn những hồ chứa lớn cần đảm bảo độ an toàn cao hơn sẽ được sửa chữa để đáp ứng các quy chuẩn quốc gia cũng như tiêu chuẩn an toàn của WB. Dự kiến Chương trình sẽ được thực hiện tại 45 tỉnh, thành phố có quản lý hồ chứa nước.

Nhận định về thực trạng các hồ chứa thủy lợi, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, hệ thống hồ đập có vai trò rất quan trọng trong cung cấp nước phục vụ thuỷ điện, tưới tiêu, điều tiết phòng chống lũ… trong đó, nhiều hồ đập có vị trí rất quan trọng đối với an toàn ở vùng hạ lưu. 

Do đó, việc đảm bảo an toàn hồ đập là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, hiện năng lực quản lý dù đã rất cố gắng, nhưng công tác này còn rời rạc, chưa có hệ thống. Việc đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đã được triển khai trên một số dự án, nhưng trên diện rộng thì còn hạn chế. 

“Vừa qua thiệt hại rất lớn đối với các bạn Lào. Đây không phải là sự cố mà là một thảm họa. Chính vì thế về công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước ở Việt Nam cần phải coi đây là bài học lớn. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là đảm bảo quản lý các công trình giao cho các địa phương quản lý như chính quyền xã, thôn, bản quản lý phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá lại thực trạng các công trình, đồng thời đào tạo tập huấn nâng cao năng lực quản lý của các chủ hồ”, ông Nguyễn Văn Tỉnh nhận định.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa mới đồng ý hỗ trợ 500 tỷ đồng để các địa phương gia cố nâng cấp các hồ thủy lợi xuống cấp, đưa vào sử dụng trong mùa mưa bão năm nay. Bộ NN&PTNT cũng đã yêu cầu, đối với những hồ, đập đã quá xuống cấp, Tổng cục Thủy lợi phải chủ động phương án không tích nước, thậm chí phải tính đến phương án phá đập tràn trước mùa mưa lũ. 

Cần chú trọng việc phân cấp quản lý trong bối cảnh địa phương, phải dành nguồn lực nhất định để củng cố năng lực quản lý sau đó phân cấp trở lại đúng hướng, nếu không đủ năng lực thì không phân cấp.

Chi Linh
.
.
.