Khẩn trương trục vớt, cứu hộ những chiếc tàu chìm ở vùng biển Quy Nhơn

Thứ Sáu, 10/11/2017, 16:56
Cùng với việc tập trung khắc phục hậu quả thiên tai do cơn bão số 12 (Damrey) gây ra trên đất liền ở Bình Định, hoạt động trục vớt, cứu hộ (TVCH) những chiếc tàu chìm đắm, trôi dạt tại vùng biển Quy Nhơn, ngăn chặn thảm họa môi trường có thể xảy ra đang được chính quyền địa phương và các cơ quan chức trách chỉ đạo triển khai khẩn trương.


Sau khi bão tan, 10 chiếc tàu lâm nạn ở nhiều vị trí khác nhau do chìm đắm và mắc cạn. Đến sáng ngày 10-11 vẫn còn 7 tàu bị chìm, đó là : tàu Biển Bắc 16 của Công ty cổ phẩn đóng tàu Biển Bắc; tàu Sơn Long 08 của Công ty TNHH vận tải biển Kim Ngưu (Hải Phòng); tàu Nam Khánh 26 của Công ty TNHH vận tải Nam Khánh; tàu Hoa Mai 68 của Công ty TNHH Duy Đạt (Thái Bình); tàu Hà Trung 98 của Công ty TNHH vận tải sông – biển Hà Trung (Nam Định); tàu Việt Thuận 168 của Công ty TNHH vận tải Việt Thuận (Quảng Ninh); tàu Jupiter CPC – quốc tịch Campuchia. 

Tàu Việt Thuận 168 bị đánh chìm trên vùng biển Quy Nhơn.

2 tàu mắc cạn do sóng đánh dạt vào bờ, đó là  tàu Fei Yue 9 – quốc tịch Mông Cổ; tàu Thanh Hải 18 của Công ty TNHH vận tải biển Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh). Chiếc tàu duy nhất nổi lên mặt biển sau nhiều giờ bị sóng đánh chìm là tàu An Phú 168 của Công ty TNHH MTV đóng tàu An Phú (TP Hồ Chí Minh).

Thông tin từ các cơ quan chức trách cho biết, ước tính trong 9 chiếc tàu bị chìm đắm và mắc cạn có khoảng 211.686 lít dầu D.O và 8.000 lít dầu F.O. Đến thời điểm này chưa có hiện tượng dầu tràn trên vùng biển Quy Nhơn, nhưng dự báo sự cố dầu tràn có thể xảy ra, đáng lo ngại nhất là những chiếc tàu chìm đắm, lật nghiêng trong luồng hàng hải. 71 thủy thủ trên các tàu vận tải biển bị lâm nạn đã được cứu thoát bởi sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng Hải quân, Bộ đội biên phòng, Công an…Trong số 13 thủy thủ mất tích đã tìm thấy 12 thi thể, 1 thủy thủ còn lại vẫn đang được tìm kiếm.

Chiều ngày 8-11, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định về kế hoạch TVCH những chiếc tàu lâm nạn trên vùng biển Quy Nhơn trước ngày 12-11, trong đó có phân định thời hạn trình phương án TVCH từng chiếc tàu để các cơ quan chức năng phê duyệt. Quá thời hạn quy định nếu các chủ tàu chưa trình phương án TVCH, UBND tỉnh Bình Định sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện, chủ tàu phải hoàn trả mọi chi phí TVCH và chịu mọi trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Tàu Fei Yue 9 – quốc tịch Mông Cổ và tàu Thanh Hải 18 – Việt Nam bị sóng đánh dạt vào bãi đá ở Gềnh Ráng, TP Quy Nhơn

Trong văn bản 6109/UBND-KT ngày 9-11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – ông Hồ Quốc Dũng đã yêu cầu các chủ tàu khẩn trương ký kết hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu (UPSCDT) với Trung tâm UPSCDT khu vực miền Trung hoặc doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện hoạt động UPSCDT. Sở tài nguyên – môi trường Bình Định chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực thi nhiệm vụ giám sát hoạt động UPSCDT trong suốt quá trình trục vớt, cứu hộ, bơm hút dầu từ những chiếc tàu bị chìm.

UBND tỉnh Bình Định cũng đã đề nghị Trung tâm UPSCDT khu vực miền Trung xây dựng phương án, tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện UPSCDT , phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức trách ở địa phương và doanh nghiệp đảm trách trục vớt, cứu hộ tàu vận tải biên bị nạn, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra, đồng thời giảm sát chặt chẽ hoạt động UPSCDT trong quá trình trục vớt, cứu hộ; hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra.

Cùng ngày, Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến – Phó Cục trưởng Cục cứu nạn, cứu hộ Bộ Tổng tham mưu – Bộ quốc phòng, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đang có mặt tại Quy Nhơn cho biết, Cục hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo các chủ tàu lâm nạn phải khẩn trương ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp chuyên trách tiến hành trục vớt, cứu hộ tàu chìm sau khi bốc dỡ hàng hóa, bơm hút nhiên liệu ra khỏi thân tàu. Mọi hoạt động phải khép kín đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo tuyệt đối an toàn không để xảy ra sự cố tai nạn, tràn dầu trên biển.

Đề cập đến hoạt động TVCH, ông Nguyễn Điền – đại diện chủ tàu Biển Bắc 16 và Nguyễn Công Khoa – đại diện chủ tàu Nam Khánh 26 đều cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với các chủ tàu là phải tìm kiếm doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện dịch vụ TVCH, thỏa thuận chi phí, mặt khác thời tiết ở hiện trường không thuận lợi, trong khi đó UBND tỉnh Bình Định yêu cầu trình phương án TVCH trong thời gian quá gấp, nên các chủ tàu đều đối mặt với nỗi lo khó có thể thực hiện kịp thời.

Các cơ quan chức trách đã xác định khối lương hàng hóa và nhiên liệu trên những chiếc tàu bị chìm ở vùng biển Quy Nhơn. Trong số đó, tàu Fei Yue có 23.000 lít dầu D.O và 8.000 lít dầu F.O; tàu Biển Bắc 16 có 3.332 tấn Clinker và 10.000 lít dầu D.O; tàu Nam Khánh 26 có 2.283 tấn Clinker và 20.000 lít dầu D.O; tàu Hà Trung 98 có 2.897 tấn gạo và 5.000 lít dầu Do; tàu Hoa Mai 68 có 3.095 tấn quặng Apatit và 20.000 lít dầu D.O; tàu Sơn Long 08 có 2.984 tấn Clinker và 10.000 lít dâu D.O; tàu Việt Thuận 168 có 1.556 tấn than đá và 103.686 lít dầu D.O; tàu Thanh Hải 18 có 20.000 lít dầu D.O.                                             
Hữu Toàn
.
.
.