Tàu chìm do bão, nhiều gia đình lao đao

Thứ Năm, 17/09/2015, 09:03
Tuy sức gió chỉ mạnh cấp 8, giật cấp 9, 10; nhưng trước khi đổ bộ vào đất liền, bão số 3 đã khiến nhiều tàu nhỏ của ngư dân duyên hải miền Trung bị chìm, trong đó có một số tàu cá của ngư dân Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Gia đình các ngư dân có tàu bị đắm, bất ngờ bị lâm vào cảnh khó khăn, do mất đi phương tiện mưu sinh, cũng là tài sản lớn nhất tích lũy nhiều năm mới có được...


Hai ngày sau khi chiếc tàu cá ĐNa 31695, bị sóng to đánh chìm trên đường về âu thuyền Thọ Quang tránh bão, sáng 16-9, chủ tàu là anh Đinh Văn Hội (trú tổ 18, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) phải nhờ gần chục tàu bạn kéo neo rà tìm để trục vớt tàu. Dù chi phí trục vớt và sửa chữa có thể quá nửa giá trị con tàu, nhưng gia đình anh Lộc không thể bỏ mặc phương tiện mưu sinh của mình dưới đáy biển. “Cứ tìm vớt lên và đưa vào xưởng sửa chữa rồi xin trả góp, chứ tiền đâu mà sắm tàu mới. Không có tàu, đi bạn cho tàu khác thì khoản tiền vay để đóng tàu bao giờ mới trả được. Đi bạn 15 năm và vay mượn thêm mới đóng được chiếc này ni đây. Tàu chìm, coi như trắng tay”, anh Hội than thở. 

Theo lời anh Hội, con tàu bị chìm có giá trị khoảng 500 triệu đồng, trong đó gần 1/2 là vốn vay ngân hàng. Với con tàu này, anh Hội rủ thêm một số người quen “đi bạn”, làm nghề giã cào, mành tôm, mành quay gần bờ. Mỗi đêm đi biển, tàu anh bán cá tôm được 4-5 triệu đồng; trừ tiền dầu và các chi phí khác, còn lại cũng đủ để gia đình anh sinh sống và trả dần khoản nợ vay. 

“Nếu trục vớt tàu lên mà thân tàu còn nguyên, khắc phục cũng mất trên 200 triệu đồng, chưa kể các chi phí dò tìm, trục vớt khoảng 100 triệu đồng”, chị Trang (vợ anh Hội) buồn bã nói. Điều mà chị Trang lo lắng là sợ tìm không ra tàu, hoặc tàu hư hỏng quá nặng thì phải tiếp tục vay ngân hàng để làm lại từ đầu, như vậy gánh nặng tiền vay đối với gia đình sẽ càng lớn hơn.

Bão số 3 tuy cấp độ nhỏ nhưng cũng gây nhiều thiệt hại.

Cách nhà anh Hội không xa là nhà ông Mai Bảy cũng lâm vào cảnh khốn khó bởi tàu gặp nạn. Ngày 14/9, khi ông Bảy cho tàu rời bãi ngang cách bờ chừng 7 hải lý để về âu thuyền Thọ Quang thì bị sóng nhấn chìm. Người ngư dân kỳ cựu này đã nhảy xuống biển, gắng sức vượt sóng dữ, bơi vào bờ. 

Hôm sau, ông Bảy ra biển ngóng thì thấy chiếc tàu nhỏ của mình bị sóng đánh vào ghềnh đá vỡ tan tành, thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Sáng 16/9, lựa lúc sóng êm, ông Bảy bơi ra nhặt nhạnh được mấy cuộn chì còn sót lại trên tàu mang về nhà gỡ ra từng miếng. 

Giọng ông buồn rười rượi: “Làm biển mấy mươi năm, nhưng cuộc sống gia đình tui cũng chỉ đủ ăn qua ngày và cố gắng nuôi con ăn học. Giờ đây, tàu hư hỏng, tài sản thiệt hại hơn trăm triệu đồng; trong đó 20 triệu đồng vay của Nhà nước vẫn còn nợ”. 

“Cả đời theo nghiệp biển, chừ tuổi tui cũng lớn rồi, không thể chuyển đổi ngành nghề khác được nữa. Dù sao tui cũng cố để vay mượn mua lại tàu hoặc đóng mới tàu. Nhưng theo quy định mới thì phải đóng tàu trên 90CV, vốn lớn quá!”, ông Bảy trầm giọng… 

Cùng cảnh ngộ, tàu ông Lê Văn Việt (tổ 23, phường Thọ Quang) cũng bị chìm tại bãi ngang, thiệt hại trên 100 triệu đồng; ghe của ông Trần Văn Thêm cũng bị chìm trên sông Hàn… Theo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng, ngoài các tàu cá bị chìm như phản ánh ở trên, còn có 3 tàu du lịch cũng bị chìm khi neo đậu trên sông Hàn. 

Hiện tại, UBND TP Đà Nẵng đang yêu cầu báo cáo cụ thể tình hình thiệt hại của ngư dân, để có những hỗ trợ đột xuất cho các gia đình khó khăn; đồng thời hướng dẫn người dân làm các thủ tục để hỗ trợ, nâng cấp; hoặc đóng mới tàu để tiếp tục vươn khơi bám biển.

Thân Lai
.
.
.