Trước thực trạng hạn, mặn lịch sử tại ĐBSCL: Vừa dồn sức “chữa cháy”, vừa thực hiện giải pháp mang tính chiến lược

Khẩn trương cứu lúa, tìm nước sạch phục vụ dân sinh (kỳ 1)

Thứ Sáu, 04/03/2016, 10:08
Hạn mặn đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh ĐBSCL được Bộ NN&PTNT đánh giá là chưa từng có trong lịch sử cả trăm năm qua. Vựa lương thực số 1 của cả nước đang hứng chịu những thiệt hại ban đầu rất lớn ước tính đã lên tới con số 150.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ chiều 29-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: “Theo dự báo, tháng 3 sẽ là cao điểm của khô hạn, xâm nhập mặn và tình trạng này kéo dài tới tháng 6-2016. Vì vậy chúng ta phải tập trung cao độ, huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn với mục tiêu cuối cùng phải giảm được tối đa thiệt hại do hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn gây ra”.

Đây được xem là hai nhiệm vụ trọng tâm mà các địa phương vùng ĐBSCL đang chủ động, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ chiều ngày 29-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan phải hết sức quan tâm lo nước cho dân, trước hết là nước uống, nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất, kịp thời hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại theo quy định hiện hành để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.

Những nền ruộng khô khan, nứt nẻ ở huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng).

Theo thông báo khẩn của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, đến ngày 7-3 tới, nước mặn xâm nhập cao trở lại, ranh mặn 4g/1 dịch chuyển sâu vào nội địa. Thời gian nước ngọt xuất hiện trên các cửa sông chính giảm, nhưng các vùng cách cửa sông Cửu Long 30 - 45km trở lên có thể lấy được nước ngọt khi triều vừa và thấp. Việc “canh” nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân đang diễn ra khắp vùng châu thổ Cửu Long. Việc cứu lúa tại các vùng sản xuất theo phương thức lúa – tôm như Cà Mau, Bạc Liêu mấy ngày qua đang diễn ra khá quyết liệt.

Theo Sở NN&PTNT Bạc Liêu, tỉnh hiện có hơn 45.300ha lúa đông xuân, trong đó có gần 12.000ha đang trỗ đòng, 25.000ha lúa giai đoạn đẻ nhánh, khoảng 8.500ha lúa dưới một tháng tuổi. Hiện có hơn 33.500ha lúa cần nước bơm đến khi thu hoạch từ 5 - 10 lần. Theo dự báo của ngành chức năng, ngay từ đầu tháng 3 này, có khoảng 8.500ha lúa đông xuân sẽ thiếu nước trầm trọng; đặc biệt, khoảng 2.500ha có nguy cơ mất trắng do không có nguồn nước ngọt bổ sung và mặn xâm nhập sâu vào hệ thống kênh của thị xã (TX) Ngã Năm (Sóc Trăng).

Trước tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, ngành chức năng đã mở cống Đá, cống Nàng Rền lấy nước ngọt; theo dõi chặt chẽ độ mặn trên kênh ở Ninh Quới, Nàng Rền để khi mặn lên thì đóng ngay hai cống này. Các huyện, thị ra quân làm thủy lợi - thủy nông nội đồng, đắp đập bơm chuyền, nạo vét các tuyến kênh nội đồng cấp bách. Người dân được tuyên truyền, vận động gia cố bờ bao, ao lắng và bơm trữ nước tối đa trên đồng, trên kênh để phục vụ lúa đông xuân.

Đề phòng nước mặn xâm nhập vượt TX Ngã Năm (dự báo đầu tháng 3 này), để bảo vệ các trà lúa Đông Xuân, các địa phương đang khẩn trương đắp 54 đập giữ ngọt - ngăn mặn và đặt máy bơm chuyền nước vào kênh nội đồng lên ruộng. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Bạc Liêu phối hợp với TX Ngã Năm và huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) đắp đập nhằm bảo vệ vụ lúa Đông Xuân và các vụ lúa tiếp theo của hai tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng. Khoanh vùng bảo vệ, bơm tát nước phục vụ cho các trà lúa với diện tích 25.000ha.

Sở NN&PTNT các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, cho biết con số thiệt hại do hạn mặn tiếp tục gia tăng từng ngày. Các địa phương đang triển khai đồng bộ các giải pháp, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân. Thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy vụ mùa năm 2015 có 30.000ha lúa bị hạn; vụ Thu Đông 2015 có 32.000ha bị hạn và vụ Đông Xuân 2015-2016 có 44.000 ha bị ảnh hưởng nặng; trong thời gian tới khoảng 60.000 ha nữa bị hạn.

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống hạn và xâm nhập mặn ĐBSCL mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý rằng nếu thời tiết tiếp tục không thuận lợi và không có các giải pháp tích cực, diện tích bị ảnh hưởng có thể lên tới 340.000ha, chiếm gần 30% diện tích xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 toàn vùng ĐBSCL.

Bên cạnh các nỗ lực cứu hàng trăm ngàn hécta lúa (bằng các biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn như nạo vét kênh mương, theo dõi diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn để vận hành, điều tiết công trình thủy lợi ngăn mặn, tranh thủ các thời điểm thuận lợi để lấy nước và trữ nước ngọt, đắp các đập tạm thời vụ để ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh), các địa phương còn thường xuyên kiểm tra, rà soát, cân đối nguồn nước để chỉ đạo canh tác phù hợp với khả năng đảm bảo nguồn nước (chỉ đạo, hướng dẫn người dân chỉ gieo sạ tại các khu vực có khả năng đảm bảo nguồn nước), ưu tiên bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc sau mới đến sản xuất. 

Tại Tiền Giang, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, gần 2 tuần qua, 80 công nhân thuộc Công ty Cấp nước Tiền Giang đã miệt mài với công việc đấu nối vào đường ống dẫn nước sạch của Nhà máy nước BOO Đồng Tâm (đã về tới TX Gò Công) nhằm phục vụ nhu cầu bức thiết của  hàng ngàn hộ dân các xã thuộc huyện Gò Công Đông và TX Gò Công như Tân Tây, Kiểng Phước, Tân Phước, Gia Thuận, Phước Trung, Tăng Hòa, Bình Xuân, Bình Đông,…

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, từ sau ngày 4 đến 7-3-2016, mặn có khả năng xâm nhập rất sâu, thậm chí nghiêm trọng hơn thời kỳ đầu tháng 2-2016. Các vùng cách biển 40km có thể chỉ còn nước ngọt lúc chân triều.

Để tận dụng nguồn ngọt vẫn còn duy trì trong trong vòng khoảng 1 tuần, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đề nghị các địa phương tập trung tối đa phương tiện để lấy nước ngọt. Trong đó đặc biệt chú ý mở các cống (ở các hệ thống ngọt hóa Gò Công, Nam Mang Thít,...), bơm,... khi nước ngọt xuất hiện (thường khi mực nước vừa và thấp). Khi thực hiện việc lấy nước, cần kiểm tra độ mặn của nguồn cấp…

Thái Bình
.
.
.