Hơn 1.000 xe điện 4 bánh vẫn đang chạy “chui”

Thứ Tư, 23/03/2016, 08:27
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, từ khi chính phủ cho phép thí điểm, chúng ta đã nhập hơn 1.300 xe điện nhưng các doanh nghiệp có xe tham gia chạy chỉ mới đăng kiểm 176 xe. Số còn lại là hoạt động “chui”.


Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 10 địa phương gồm Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện phục vụ chở khách du lịch trong phạm vi hẹp. 

Hiện nay, có 3 địa phương gồm Tp HCM, Kiên Giang, Quảng Nam tiếp tục đề xuất cho phép thực hiện. Cả nước có tổng số khoảng 40 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác phục vụ khá tốt nhu cầu đi lại của khách du lịch trong phạm vi hạn chế. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, từ khi chính phủ cho phép thí điểm, chúng ta đã nhập hơn 1.300 xe điện  nhưng các doanh nghiệp có xe tham gia chạy chỉ mới đăng kiểm 176 xe. Số còn lại là hoạt động “chui”.

Vì sao các doanh nghiệp không chịu đăng ký, đăng kiểm? Ông Vương Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa cho biết, tỉnh chỉ có thị xã Sầm Sơn có xe điện 4 bánh hoạt động với 431 xe nhưng tất cả vẫn chưa có đăng ký, đăng kiểm đúng luật. 

Lý giải điều này, ông Tuấn cho rằng, các xe này đều sản xuất trong nước chỉ có giấy chứng nhận xuất xưởng của cơ sở sản xuất, có giấy chứng nhận sản xuất thí điểm nhưng lại thiếu giấy chứng nhận đăng kiểm của Cục Đăng kiểm nên không làm được thủ tục đăng ký. Mặc dù, thị xã Sầm Sơn có hơn 100 xe đã chủ động nộp thuế với cơ quan quản lý thuế nhưng vẫn không đăng ký được nên không đăng kiểm được theo Thông tư 86 của Bộ Giao thông Vận tải. 

“Các doanh nghiệp rất muốn đăng ký, đăng kiểm và gửi văn bản đến Cục Đăng kiểm đề nghị có hướng dẫn cụ thể để đăng kiểm và đưa ra giải pháp trước mắt là chưa đăng ký được thì theo đánh số vẫn cho đăng ký theo thông tư 86 để quản lý hoạt động trong phạm vi hẹp,” ông Tuấn nói.  

Là doanh nghiệp có 50 đầu xe hoạt động ở khu du lịch Đồ Sơn, Cát Bà và trong trung tâm thành phố Hải Phòng, đại diện Công ty Điện tử tin học viễn thông (Hải Phòng) cho rằng Thông tư 86 có hiệu lực thì đơn vị tích cực đăng ký theo hướng dẫn nhưng gặp khó trong đăng ký. 

Cả nước có hơn 1.300 xe điện, nhưng chưa đến 17% xe hoạt động là có đăng kiểm.

“Theo quy định của Thông tư 86, thủ tục đăng ký thì giấy tờ yêu cầu cần giấy chứng nhận đăng kiểm nhưng do trước Thông tư 86, nhà sản xuất chưa có giấy tờ này. Đem những thắc mắc này hỏi đăng kiểm thì bên đó trả lời rằng không có hướng dẫn nào để giải quyết cụ thể. Trong khi đó, ngày 1-4 tới đây, Công an thành phố yêu cầu tất cả các xe điện có đăng ký mới được hoạt động, nếu không thì phải đắp chiếu phương tiện nằm nhà và người lao động mất việc làm,” đại diện Công ty Điện tử tin học viễn thông than thở. 

Tương tự tại Nghệ An, ông Võ Văn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Cửa Lò nhấn mạnh thêm, đến nay trên địa bàn có khoảng gần 500 xe điện đang hoạt động, nhưng cũng do vướng mắc thủ tục nên tất cả đều chưa được đăng ký đăng kiểm.

Trước các vướng mắc trên, đại diện hầu hết các tỉnh thành đều đề nghị Bộ GTVT và các bộ ban hành quy định quản lý hoạt động về quản lý đăng ký đăng kiểm và xử lý vi phạm. Tồn tại chung là giấy tờ, muốn xử lý đề xuất Chính phủ nên có cơ chế riêng cho hợp thức hóa số lượng xe điện này để đăng ký đăng kiểm sau đó sẽ quản lý chặt chẽ hơn. 

Thừa nhận thực tế này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho hay, hiện xe điện vướng nguồn gốc hồ sơ giấy tờ, thuế. Do đó, muốn quản lý được thì phải có đăng ký đăng kiểm. Nếu không quyết tâm làm đăng ký, đăng kiểm 1.300 xe điện này thì không bao giờ làm được.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, từ nay đến ngày 30/3, các Sở Giao thông Vận tải phải tổng hợp lại số lượng xe hiện có, để báo cáo và có giải pháp; tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước đi kiểm tra một số tỉnh về quản lý xe này như thế nào để nhằm sửa đổi, xây dựng Nghị định 86 sát với thực tiễn, không trở thành rào cản. 

“Chậm nhất hai tháng nữa phải hoàn chỉnh quản lý phương tiện này. Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ tham mưu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chấm dứt thí điểm phương tiện chuyển thành chính thức hoạt động bình thường”. 

Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đối tượng này, khi sửa Nghị định 86 sẽ đưa xe điện 4 bánh vào loại hình vận tải kinh doanh có điều kiện dựa vào đánh giá thực tiễn ở các địa phương. 

“Thủ tục đăng ký phải phân tích ra thiếu đủ cái gì để kiến nghị giải pháp, tránh trường hợp thất thoát thuế của Nhà nước nhưng cũng tạo điều kiện cho đăng ký, đăng kiểm. Thuế chưa đóng thì hồi tố lại ở mức nào đó, đăng kiểm xác nhận về an toàn kỹ thuật môi trường rồi đem đi đăng ký, cấp biển”.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng nhấn mạnh, phương tiện xe điện 4 bánh không nên để cho phát triển tràn lan, ồ ạt. Mô hình tổ chức theo doanh nghiệp, hợp tác xã, không thể bộc phát kiểu chủ hộ, phải có bộ phận an toàn, chất lượng dịch vụ như thế nào cũng cần có điều kiện đi kèm; công tác quản lý Nhà nước cần phân cấp rõ ràng từ chính quyền xã, huyện, tỉnh để tránh chồng chéo, buông lỏng.

Đề xuất mở thêm tuyến xe điện kết nối các di tích danh thắng

Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân (Hà Nội) cho biết, sau hơn 5 năm đưa xe điện vào hoạt động thí điểm tại quận Hoàn Kiếm, khách du lịch đến đông, nhu cầu đi lại của du khách lớn. 

Hiện, Công ty đã nhập khẩu 40 xe điện thành phố cho phép. Chi phí đi lại của xe điện tiết kiện hơn 50% so với xích lô. Năng lực chuyên chở nhiều, vận chuyển 3 triệu khách du lịch, tổng doanh thu trên 60 tỷ đồng, đóng góp ngân sách 21 tỷ đồng. 

Trước những kết quả trên, vị Tổng Giám đốc này cũng đề xuất Bộ GTVT cho nhập thêm khoảng 20 xe điện nữa, để  mở tuyến kết nối các di tích danh thắng Hoàn Kiếm-Hoàng Thành thăng Long-Lăng Bác và Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Phạm Huyền
.
.
.