Hiệu quả từ sáng kiến “Móc khóa tố giác tội phạm”

Chủ Nhật, 13/05/2018, 08:50
Mô hình "Móc khóa tố giác tội phạm”, tuy mới triển khai vào ngày 20-3-2018 nhưng bước đầu đạt được hiệu quả cao.

Những năm qua, Công an huyện Cần Giuộc, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều sáng kiến, triển khai nhiều mô hình phòng ngừa tội phạm mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đưa phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ huyện Cần Giuộc phát triển vững mạnh. Trong đó, phải kể đến mô hình "Móc khóa tố giác tội phạm”, tuy mới triển khai vào ngày 20-3-2018 nhưng bước đầu đạt được hiệu quả cao.

Theo Thượng tá Trương Nhật Minh, Phó trưởng Công an huyện Cần Giuộc, trước đây, Ban chỉ huy Công an huyện tuyên truyền rộng rãi số điện thoại của trực ban Công an huyện và số điện thoại của Công an các xã, thị trấn qua các tài liệu tuyên truyền; gắn số điện thoại ở bảng treo trên nhiều tuyến đường. 

Nhằm phát huy hơn nữa ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác phòng ngừa tội phạm, nhanh chóng thông tin tội phạm đến số điện thoại các địa chỉ tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, Công an huyện đã triển khai mô hình "Móc khóa tố giác tội phạm”.

Công an huyện Cần Giuộc tặng “Móc khóa tố giác tội phạm” cho người dân.

Cũng theo Thượng tá Trương Nhật Minh, móc khóa tố giác tội phạm được thiết kế nhỏ gọn, hình oval bằng nhựa dẻo, nền màu đỏ, trên nền có số điện thoại tiếp nhận đường dây nóng tố giác tội phạm của Công an huyện Cần Giuộc; số điện thoại của Công an các xã, thị trấn và số điện thoại các chốt chặn phòng, chống tội phạm trên địa bàn huyện. Đối với các xã trên địa bàn huyện Cần Giuộc còn bổ sung số điện thoại của các xã giáp ranh để phát huy hiệu quả công tác phối hợp và thuận lợi cho nhân dân phát hiện tội phạm hoặc các dấu hiệu tội phạm, kịp thời báo cho Công an nơi gần nhất.

Bước đầu, cơ quan Công an trực tiếp cấp phát 1.650 móc khóa; Công an xã cấp phát 6.500 móc khóa tập trung cho lực lượng nòng cốt ở cơ sở, nơi tiếp dân, những người hành nghề xe ôm và những nơi đông người qua lại như: chợ các khu dân cư, những nơi xa trụ sở Công an.

Công an huyện Cần Giuộc còn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện cấp 1.000 móc khóa trong các thành viên và tổ dân cư; phối hợp Liên đoàn Lao động huyện vận động công đoàn cơ sở các doanh nghiệp cấp phát 1.300 móc khóa trong công đoàn viên có xe môtô, công nhân khu nhà trọ. Đồng thời, phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết được ý nghĩa của mô hình này.

Để tạo được lòng tin của người dân khi nhận được móc khóa, Công an huyện Cần Giuộc chỉ đạo chấn chỉnh công tác tiếp nhận tin báo của lực lượng từ huyện đến xã. Bất cứ thời gian nào, khi nhận được tin báo của người dân, Công an từ xã đến huyện cũng phải nghe điện thoại; hỏi thông tin rõ ràng, phối hợp xử lý dứt điểm. Mặc dù mô hình vừa mới thực hiện nhưng đã ghi nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân. Điều dễ dàng nhận thấy, số tin báo tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội của người dân ngày càng nhiều, thông tin chất lượng, có giá trị.

Thượng tá Trương Nhật Minh còn cho biết thêm, qua gần 2 tháng triển khai mô hình, toàn huyện đã cấp gần 11 ngàn móc khóa tố giác tội phạm, trị giá hơn 70 triệu đồng, từ kinh phí xã hội hóa. Với những hiệu quả bước đầu, thời gian tới, Công an huyện Cần Giuộc chỉ đạo Công an 16 xã và thị trấn nhân rộng mô hình “Móc khóa tố giác tội phạm”, mỗi xã phấn đấu ít nhất cấp phát từ 1.500 móc khóa trong tất cả các khu dân cư.

Thúy Phượng
.
.
.