Hiệu quả thiết thực từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Thứ Hai, 21/12/2015, 09:19
Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện và lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường phục vụ người dân nông thôn, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Trong giai đoạn 2012-2015, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 607 tỷ đồng từ chương trình này và các nguồn vốn huy động khác, Quảng Bình đã đầu tư xây dựng 26 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; 21 công trình nhà vệ sinh cho trường học các cấp; 11 công trình nhà vệ sinh cho trạm y tế xã; hỗ trợ xây dựng 225 mô hình nhà vệ sinh và 232 mô hình xử lý chất thải chăn nuôi cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Hiện nay, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, cả tỉnh đã đầu tư xây dựng 103 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2012-2015, cho biết: Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự hỗ trợ của Trung ương nên chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều công trình cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa; hoạt động kiểm tra, giám sát lĩnh vực này được đẩy mạnh; nhận thức của người dân được nâng lên, tập quán dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, sử dụng công trình vệ sinh cũng thay đổi. Từ đó, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống ở nông thôn và góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới.

Từ chương trình, người dân ở nhiều bản, làng, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Bình đã được hưởng nguồn nước sạch, được tiếp cận và sử dụng các công trình vệ sinh. Đặc biệt, toàn huyện miền núi Minh Hóa có 20 công trình nước sạch được đầu tư, hỗ trợ xây dựng; có khoảng 70% số hộ gia đình trên địa bàn được dùng nước hợp vệ sinh và 63,3% hộ gia đình trong tổng số hộ nghèo của huyện được tiếp cận với nguồn nước sạch. Đa số bà con địa phương không dùng nước khe suối mà chuyển sang sử dụng nước sạch để sinh hoạt. Diện mạo nông thôn từng bước thay đổi, đời sống của người dân cũng dần được cải thiện.

Để phát huy hiệu quả các công trình, tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh áp dụng, nhân rộng các mô hình công nghệ tiên tiến, phù hợp với từng địa phương; tổ chức các đoàn kiểm tra; ban hành Quyết định số 38/2015/QĐ-UBND quy định về quản lý, vận hành, bảo vệ công trình cấp nước và vệ sinh nông thôn tại các xã. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Còn thiếu các cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư từ lĩnh vực tư nhân, doanh nghiệp; nhiều công trình cấp nước tự chảy xuống cấp, hư hỏng, không được sửa chữa, khắc phục, chưa đáp ứng nhu cầu người dân nông thôn sử dụng nước sạch; số lượng và chất lượng nước cung cấp ở nhiều nơi đang bị giảm sút....

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Bình phấn đấu có 90% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 85% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh; tất cả các trường học và trạm y tế xã có nước sạch và giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ... Qua đó góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định dân cư, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội và đóng góp vào việc hoàn thành mục tiêu cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh.

Dung Dung
.
.
.