Bé 15 tháng tuổi bị cháy xém bàn tay do bỏng điện

Thứ Sáu, 20/05/2016, 10:48
Ngày 20-5, thông tin từ các bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện (BV) nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh cho hay, họ vừa cứu sống một trường hợp bị tai nạn điện giật rất nguy hiểm.

Bệnh nhi tên V. N. N. H. (15 tháng tuổi, ngụ tại Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh) được chuyển đến BV Nhi Đồng 1 trước đó trong tình trạng hôn mê, lòng bàn tay cháy xém, bỏng nặng do điện giật. Người nhà cho biết, bé mới chập chững biết đi và chơi trong nhà có mẹ trông. 

Tuy nhiên do sơ ý, bà mẹ mải việc, để cháu chơi một mình trên nhà, đứng cạnh quạt máy đang bật, vô tình cháu đã cầm phải đúng đoạn dây điện của quạt bị tróc vỏ nhựa. Phần dây bị hở khiến bé bị giật điện.

Nghe tiếng con la thất thanh, bà mẹ chạy lên thì đã thấy con nằm bất tỉnh, hôn mê, bất động, tay trái còn dính vào ổ điện. Người mẹ nhanh chóng rút phích cắm của quạt khỏi ổ cắm điện, đưa con ra ngoài, thực hiện thao tác hô hấp nhân tạo, sau đó đưa đến BV địa phương.

Khoa Hồi sức tích cực chống độc nơi điều trị cho những bệnh nhân nặng tại BV Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh.

Tại đây bé đã trong tình trạng ngưng thở ngưng tim, buộc phải đặt nội khí quản giúp thở, các bác sĩ thực hiện ấn tim và chích Adrenaline cho tim đập lại, sau đó chuyển tiếp đến BV Nhi Đồng 1. Các bác sĩ đã được thực hiện nhiều biện pháp tích cực như : hỗ trợ hô hấp thở máy, điều trị chống co giật, chống phù não, kháng sinh điều trị viêm phổi hít, vật lý trị liệu hô hấp, …và cắt lọc vết thương bỏng điện. Ngày 20-5, bé đã tỉnh, tiếp xúc được nhưng còn chậm.

Qua trường hợp này các bác sĩ lưu ý phụ huynh, với trẻ dưới 3 tuổi cần luôn có người trông coi thật cẩn thận, vì ở lứa tuổi này trẻ thích khám phá thế giới xung quanh dễ gặp tai nạn đáng tiếc như té xô, điện giật, bỏng , thậm chí ngộ độc vì ăn hoặc uống phải chất độc như thuốc diệt chuột trộn với thức ăn để ở góc nhà, hay xăng hoặc dầu hôi để trong bình nước giải khát đóng chai vì tưởng là thức ăn hoặc thức uống…

BS Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 cũng cho biết, trước đó họ cũng vừa cấp cứu một trường hợp trẻ 6 tháng tuổi bị ngạt nước trong tình huống hết sức hi hữu. Đó là trong lúc ẵm con trên tay để tắm cho con, bà mẹ lỡ tuột tay để con ngã vào thau nước. Nước ập vào miệng, mũi trẻ gây ngạt nước. Rất may là nhà gần BV Nhi đồng 1 nên cháu bé này cũng đã được cấp cứu kịp thời. Trường hợp này các bác sĩ cũng phải thực hiện mở nội khí quản.

Theo các bác sĩ, tháng 5 cũng là thời điểm khởi đầu cho một kỳ nghỉ hè vui tươi của trẻ, nhưng cũng lại là lúc các phụ huynh cần lưu ý tạo một ngôi nhà an toàn cho trẻ là điều hết sức cần thiết, đề phòng các tai nạn thương tích cho trẻ nhỏ. Riêng với trường hợp phát hiện trẻ bị giật điện, ngay lập tức thực hiện cắt nguồn điện  bằng cách tắc công tắc, ngắt  cầu dao điện hoặc rút phích cắm điện; nếu không với tới được dây điện, công tắc thì đứng trên vật khô cách điện như hộp gỗ, tấm cao su hay nhựa, dùng cây cán chổi hay chiếc ghế đẩu đẩy mạnh tay, chân trẻ bị nạn ra khỏi nguồn điện.

Lưu ý tuyệt đối không được sờ vào người trẻ bị  giật điện khi chưa được tách ra khỏi nguồn điện; sau khi đã ngắt điện, nếu trẻ bị bất tỉnh: kiểm tra nhịp thở, mạch đập và cấp cứu hà hơi thổi ngạt, ấn tim khi cần thiết. Nếu trẻ bị nạn đã bình thường, không bị thương tích, để nghỉ ngơi và theo dõi, nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ bệnh trở nặng thì đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất.


Huyền Nga
.
.
.