Hạn hán ở Trung Bộ có thể kéo dài tới tháng 9
- Không để đói và bùng phát dịch bệnh do hạn hán
- Không để dân khát, dân đói vì hạn hán
- Nhiều nhà vườn đang ngậm quả đắng vì hạn hán và xâm nhập mặn
- Oằn mình chống chọi hạn hán khốc liệt
- Hạn hán sẽ mở rộng ở Trung Bộ
TS Nguyễn Đăng Quang, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, hiện nay, các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đang trong thời kỳ mùa khô nên tình trạng hiếm mưa và thiếu hụt nước trên các hệ thống sông khá phổ biến. El Nino cũng sẽ làm cho nền nhiệt nước ta tăng cao và giảm lượng mưa.
Với sự kết hợp của cả hai yếu tố (El Nino và mùa khô), tình hình hạn hán và xâm nhập mặn sẽ trầm trọng hơn trong thời gian tới. Hạn hán chỉ được cải thiện cho tới khi những cơn mưa mùa hè bắt đầu. Phần lớn khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ kéo dài tới tháng 6, riêng một số nơi ở Nam Trung Bộ có thể kéo dài tới tháng 8-9.
Theo ông Quang, cho dù El Nino đang trên đà suy giảm về cường độ nhưng tác động của chúng tới điều kiện thời tiết, thủy văn ở nước ta vẫn còn rõ rệt trong các tháng đầu năm 2016. Khả năng nắng nóng sẽ xuất hiện sớm, ít mưa và nền nhiệt độ chung trên phạm vi toàn quốc sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Hạn hán ở miền Trung sẽ khốc liệt hơn năm 2015. Ảnh minh họa. |
Theo ông Vũ Đức Long, Trưởng phòng Dự báo thuỷ văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, hiện một số sông ở Trung Bộ đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ như sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 2,14m, sông Trà Khúc tại Trà Khúc: 0,2m. Đặc biệt, mực nước trên sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng đã xuống thấp nhất lịch sử (3,12m ngày 22-2). Lượng dòng chảy trên phần lớn các sông thấp hơn trung bình nhiều năm, riêng các sông ở Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận thấp hơn rất nhiều (khoảng 65-90%). Trên một số sông suối nhỏ đã xảy ra tình trạng cạn kiệt.
Lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Tây Nguyên cũng thấp hơn trung bình nhiều năm, riêng các sông ở Gia Lai, Kon Tum thấp hơn từ 50-70%, một số sông suối nhỏ tiếp tục xảy ra tình trạng cạn kiệt như sông Đắk Bla tại Kon Tum đã xuống mức 514,87m (ngày 22-2), ở mức thấp nhất lịch sử. Phần lớn các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn đều tích nước chỉ đạt trên 70% dung tích thiết kế. Một số hồ ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có dung tích trữ rất thấp như hồ Ninh Thuận, Bình Thuận, hồ Đá Bàn (Khánh Hòa) chỉ đạt 19-30%, hồ Ya Chlơi (Đăk Lắk) đạt 12%. Tính đến ngày 26-2, mực nước tại hầu hết các hồ chứa ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đều thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1-5,0m; thậm chí một số hồ chỉ cách mực nước chết từ 0,15-0,2m.
Trong khi Trung Bộ và Tây Nguyên đối mặt với hạn hán, thiếu nước thì các tỉnh Tây Nam Bộ lại đang trải qua đợt hạn mặn trầm trọng nhất trong vòng 100 năm qua. Mực nước trên dòng chính sông Mê Kông đang xuống dần. Hiện tại, mực nước tại các trạm chính đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2015 từ 0,15-0,35m.