Facebook và bạo lực học đường

Thứ Tư, 08/04/2015, 10:52
Hàng loạt vụ việc liên quan đến bạo lực học đường trong thời gian gần đây đã khiến xã hội lo lắng. Xem ra, chuyện đèn sách giờ đây không chỉ dừng lại ở chuyện thầy, chuyện trò với tập, với sách, với phấn trắng, bảng đen, thi cử… mà còn có mối quan hệ khăng khít hàng ngày, hàng giờ với cộng đồng xã hội thông qua các trang mạng xã hội, trong đó có facebook.
>> Quyền năng của bạo lực(!)

Xấu, tốt đều “bày” lên facebook

Con mình ngoan, học giỏi, khoe với… thiên hạ thông qua mạng xã hội facebook giờ đây không còn là chuyện mới mẻ đối với nhiều bậc phụ huynh. Nhưng thi thoảng, trên facebook vẫn có những bậc phụ huynh đưa “quý tử” của mình lên và coi đó là cách răn đe “cho nó sợ để nó mắc cỡ với bạn bè mà cố gắng”. Rất nhiều bài toán sai bét, hoặc bài văn miêu tả về ông bà, bố mẹ với những câu, từ vụng về, thậm chí lố bịch cũng được đưa lên facebook…

Chị T. (nhà trên đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) từng chọn cách răn đe con mình như thế, kể với tôi bằng giọng lo âu: “Một hôm, đang giờ học, tôi nhận ra con bé đang online trong facebook. Có những đêm, một hai giờ khuya rồi, tôi tỉnh giấc mà thấy nó cầm điện thoại lọ mọ chát chít. Rồi nó thừa nhận với tôi rằng nó đã… nghiện facebook rồi, không vào thì cảm thấy cô đơn. Nó còn nói nhờ facebook mà nó có nhiều bạn mới bên ngoài, thậm chí còn khoe có người bằng tuổi cha, chú cũng nhận nó làm bạn…”.

Vào facebook của con gái kiểm tra, nhìn những hình ảnh, đọc những câu chuyện mà con gái bình luận chẳng liên quan gì đến chuyện học hành, bà mẹ này thật sự giật mình và tự nhận ra “nguyên nhân bắt đầu từ việc tôi mua cho nó điện thoại”.

Anh K., chồng chị T. kể thêm, hôm đi họp phụ huynh, anh bị “mắng vốn” vì chuyện con anh đem điện thoại vô lớp. “Cô nó còn méc rằng nó hết quay phim, chụp ảnh bạn bè, thầy cô rồi còn dọa sẽ đưa lên facebook. Có điện thoại, nó không tập trung việc học hành. Thỉnh thoảng cô phát hiện ba bốn cái đầu chụm lại coi facebook” – anh K. kể. 

Băn khoăn từ những chuyện “dậy mùi” bạo lực

Những chuyện vừa kể tuy đáng ngại nhưng vẫn chưa gây ra hậu quả như hàng loạt vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây (Báo CAND đều có thông tin).

Mở màn là chuyện một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Trà Vinh (Trà Vinh) bị nhóm bạn dùng cả chồng ghế đánh vào đầu. Trong khi câu chuyện đang còn gây xôn xao dư luận thì hàng loạt vụ việc bạo lực học đường tại nhiều địa phương khác cũng “xì” ra, và lần lượt được nhanh chóng phát tán, lan truyền trên facebook.

Những hình ảnh đau lòng diễn ra nơi học đường.

Nhiều phụ huynh cho rằng nên khuyến khích học sinh dùng điện thoại và facebook, bởi nhờ nó mà người lớn có đầy đủ hình ảnh những trận ẩu đả để làm cơ sở cho việc xử lý khách quan, công tâm, đúng người, đúng “tội”.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh và thầy cô lại phản đối, rằng chính do điện thoại và facebook đã góp phần “làm lớn những chuyện không đáng ầm ĩ khiến cả xã hội lo lắng”.

Không ít phụ huynh đánh giá rằng hầu hết học sinh được phụ huynh “thả rong” – cho chơi facebook thoải mái, đều học không mấy khá giỏi.

Có phụ huynh nói việc một học sinh quay lại những hình ảnh “ẩu đả” của bạn mình, tung lên mạng, “công” thì ít nhưng “tội” thì nhiều. Lẽ ra khi thấy bạn mình đánh nhau, hành động đúng là phải tham gia ngăn cản, đằng này, nhiều em tỏ thái độ “sung sướng”, dùng điện thoại, hí hửng ghi hình rồi tung lên facebook cho cộng đồng xem, coi đó như trò vui.

Chính từ suy nghĩ này mà phụ huynh của em N.T.H. (học sinh lớp 8A7 Trường THCS Sông Đốc 1, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đã dùng điện thoại, quay cảnh hai bạn mình đánh nhau, sau đó tung lên facebook) đã đề nghị nhà trường kỷ luật “cảnh cáo” đối với con mình (nhưng trường chỉ phê bình trước cờ).

Còn phụ huynh của hai nữ sinh đánh nhau (em T.N.H. và N.T.C.P.) thì đề nghị trường buộc thôi học 10 ngày và cưỡng bức lao động 1 buổi đối với cả hai (trường chỉ kỷ luật khiển trách).

Luật sư Phan Đình Hưng – Đoàn Luật sư TP Cần Thơ cho rằng, công tâm mà nói, chính thông qua facebook mà thời gian qua, hàng loạt vụ bạo lực học đường được xã hội biết đến, truy xét. Những hành vi được xem là “không thể chấp nhận ở chốn học đường” cũng như trách nhiệm liên đới của lãnh đạo nhà trường nơi xảy ra bạo lực, nhờ đó đã được xử lý bằng thái độ kiên quyết từ chính quyền địa phương và ngành Giáo dục.
Binh Huyền
.
.
.